Ngày 25/8, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp UBND tỉnh Thái Bình và Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đồng tổ chức trực tuyến Hội nghị tổng kết và trao giải chung kết Dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính”.
Thái Bình là địa phương duy nhất ở Việt Nam được Ban điều hành Dự án lựa chọn để triển khai trong 5 năm (2016-2021). Dự án được chia thành 2 giai đoạn với cơ chế trao thưởng dựa trên kết quả đạt được.
Mục tiêu chính của Dự án là xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo; góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Cách thức triển khai Dự án hoàn toàn mới, theo “cơ chế kéo”. Đó là không hỗ trợ kinh phí trước cho tổ chức, cá nhân mà tiến hành lựa chọn, thẩm định các giải pháp, công nghệ sáng tạo xuất sắc, đáp ứng tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao sinh kế cho người dân trồng lúa để trao giải thưởng.
Trong 5 năm triển khai tại Thái Bình, đã thu hút nhiều doanh nghiệp uy tín trên địa bàn cả nước tham gia như Công ty cổ phần phân bón Bình Điền; Tập đoàn ThaiBinh Seed; Trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ rau, hoa, quả… với tổng giải thưởng được trao trị giá hơn 3 triệu USD.
Tại Hội nghị tổng kết, Ban điều hành Dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính” đã quyết định trao giải chung kết cho 3 đơn vị.
Trong đó, Giải nhất thuộc về Tập đoàn ThaiBinh Seed với giải thưởng trị giá 750 nghìn USD; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ An Đình đoạt Giải nhì với phần thưởng 400 nghìn USD; Công ty cổ phần Giống cây lương thực và thực phẩm đoạt Giải ba, nhận số tiền thưởng 200 nghìn USD.
Dự án ngoài lợi ích kép về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và tăng liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo, thì các kết quả được kiểm định của Dự án cũng đóng góp vào các đề xuất cơ chế chính sách, lồng ghép vai trò của doanh nghiệp vào thực hiện và nhân rộng chuyển giao công nghệ sản xuất lúa bền vững cho đồng bằng sông Hồng nói riêng và Việt Nam nói chung.