Chiều 3/6, tại Kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày tóm tắt Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Dự kiến, dự thảo Luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 18/6.
Bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với luật hiện hành.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “người làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam” để bảo vệ nhóm yếu thế này, đồng thời bổ sung vấn đề gia nhập của “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; mối quan hệ phối hợp hoạt động và vấn đề chia sẻ kinh phí công đoàn với tổ chức này.
Ngoài đối tượng theo Luật Công đoàn năm 2012, dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (đối với việc gia nhập vào Công đoàn Việt Nam).
Dự thảo Luật sẽ trao quyền chủ động hơn cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ theo hướng: cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Đồng thời, cho phép “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ”.
Về quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động 2019 và vai trò là tổ chức chính trị-xã hội theo Điều 10 Hiến pháp 2013.
Quang cảnh phiên họp chiều 3/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Về nội dung này, có ý kiến cho rằng, Bộ luật Lao động 2019 đã quy định, quyền thương lượng chỉ được thực hiện khi tại doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Vì vậy, đề nghị cân nhắc bỏ quy định này để bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và phù hợp với bối cảnh mới.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, ngoài những cơ sở đã nêu trong Tờ trình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thấy rằng, bên cạnh các quyền đối thoại, thương lượng thì còn rất nhiều quyền và lợi ích hợp pháp khác của người lao động cần được bảo đảm và bảo vệ khi người lao động có yêu cầu. Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lựa chọn phương án như trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung 1 điều về quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; đề xuất 2 phương án phân chia kinh phí công đoàn cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Nhất trí sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội nêu rõ, Ủy ban nhất trí với việc sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn và thấy rằng, còn nhiều vấn đề cần thiết khác phải được đặt ra trong quá trình xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) như: xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, phong trào công nhân, khuyến khích xã hội hóa nguồn lực.
Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để việc sửa đổi các chính sách trong dự án Luật bảo đảm toàn diện, sâu sắc, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn.
Về gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội cho rằng, việc bổ sung quy định này cơ bản phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và quy định về việc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập công đoàn tại khoản 3 Điều 172 của Bộ luật Lao động năm 2019.
“Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị, trong bối cảnh hiện nay, trước mắt chỉ nên thực hiện thí điểm, sau đó tổng kết, đánh giá mới có căn cứ, cơ sở để luật hóa cụ thể”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật quy định thời giờ làm việc trong một tháng đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương đang đề xuất 2 phương án.
Phương án 1 giữ như Luật hiện hành, quy định “cứng” là 12 giờ cho mỗi cán bộ công đoàn; Phương án 2 quy định tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách được xác định trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn.
Ủy ban Xã hội thấy rằng, khoản 2 Điều 176 của Bộ luật Lao động đã quy định: “Chính phủ quy định thời gian tối thiểu mà người sử dụng lao động dành cho toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện trên cơ sở số lượng thành viên của tổ chức”.
Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình thêm về việc quy định nội dung này trong dự thảo Luật cũng như lấy ý kiến Chính phủ, các cơ quan theo quy định; đồng thời, nghiên cứu có quy định đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách tại công đoàn cơ sở ở các trường học, khu công nghiệp còn đang vướng mắc để bảo đảm tính khả thi.
Liên quan việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án: (1) giao Chính phủ quy định cụ thể; (2) xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định “tỷ lệ cứng” như phương án 2 mà nên quy định theo hướng “tối thiểu 75%” và “tối đa 25%” để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.
Theo cơ quan thẩm tra, đây là vấn đề khó và ý kiến còn khác nhau, do đó đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ, toàn diện thông tin làm căn cứ, cơ sở cho cả 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đồng thời, nghiên cứu ý kiến góp ý của Chính phủ về nội dung này.