Trao giải Phát triển văn hóa đọc cho 30 tập thể và cá nhân

NDO - Sáng 4/4, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã diễn ra lễ trao giải Phát triển Văn hóa đọc lần thứ VI. 30 tập thể và cá nhân có nhiều sáng tạo, thành tựu trong kết nối, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đã được trao giải thưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Các tập thể được trao giải Phát triển Văn hóa đọc lần thứ VI.
Các tập thể được trao giải Phát triển Văn hóa đọc lần thứ VI.

Đây cũng là hoạt động hướng tới Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 hằng năm.

Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động từ năm 2018, thu hút đông đảo cá nhân và tập thể tham gia. Đến nay, sau 5 lần tổ chức, Bộ đã tôn vinh được 121 tập thể, cá nhân tiêu biểu, từ đó tạo động lực để kết nối và lan tỏa rộng rãi văn hóa đọc trong cộng đồng.

Năm 2023, ban tổ chức giải thưởng nhận được 78 hồ sơ của các đơn vị, tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng. Sau quá trình xem xét khách quan và công tâm, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc đã lựa chọn được 30 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, phát huy hiệu quả vốn tài liệu trong thư viện thông qua việc tổ chức các dịch vụ phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân với nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, qua 5 năm tổ chức, điều đặc biệt có ý nghĩa và đáng trân trọng là nhiều tập thể, cá nhân sau khi nhận giải thưởng vẫn tiếp tục bền bỉ, tâm huyết, luôn đổi mới tìm tòi cách làm hay, sáng tạo để tiếp tục phục vụ người đọc và đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Trao giải Phát triển văn hóa đọc cho 30 tập thể và cá nhân ảnh 1

Các cá nhân nhận giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc lần thứ VI.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị, để giải thưởng ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn, Vụ Thư viện, với vai trò là cơ quan thường trực, cần phối hợp với các ban, bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể huy động mọi lực lượng trong xã hội cùng chung tay xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, chủ động phát hiện, mở rộng,đa dạng hóa đối tượng trong mọi lĩnh vực, mô hình trong thực tiễn, tiếp tục đề xuất chính sách, chỉ đạo hệ thống thư viện công lập hỗ trợ, duy trì bền vững hệ thống thư viện ở cơ sở, đặc biệt là những thư viện do người dân lập nên, đổi mới công tác truyền thông để lan tỏa ý nghĩa và giá trị của giải thưởng.

Nói về những thay đổi của các hồ sơ được trao giải thưởng năm nay, bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện, đơn vị tổ chức giải thưởng cho biết, cùng với sự phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hệ thống thư viện công cộng vẫn giữ vai trò chủ lực trong phát triển văn hóa đọc với nhiều sự thay đổi đáng ghi nhận. Các sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện đã bám sát, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người sử dụng, phục vụ từ đối tượng bạn đọc phổ thông, đa dạng đến các nhu cầu nghiên cứu chuyên biệt đòi hỏi chất lượng cao.

Bà Kiều Thúy Nga cũng cho biết, các hoạt động khuyến đọc đã chuyển từ phong trào bề nổi nhằm nâng cao nhận thức của xã hội sang các hoạt động gắn với việc trang bị kỹ năng thông tin và trải nghiệm cho người sử dụng; nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo với những phương thức hoạt động mới đã hướng tới xây dựng môi trường đọc ngay tại cơ sở, phục vụ trực tiếp cho người sử dụng.

Cũng tại lễ trao giải, Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga đã chính thức phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024. Dự kiến các bài thi sẽ gửi về Ban tổ chức vào tháng 7 để chấm thi. Tháng 10 sẽ diễn ra Vòng chung kết toàn quốc và lễ tổng kết cuộc thi dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ).