Hướng đi mới cho học sinh không trúng tuyển THPT công lập

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội, tính đến ngày 4/7, bên cạnh hơn 67 nghìn học sinh trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập, 18 nghìn học sinh xét tuyển vào trường ngoài công lập, đã có gần 6.000 học sinh đăng ký nhập học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Đây là xu hướng phù hợp với nhu cầu thực tế của những học sinh có học lực trung bình cần có định hướng về làm việc sớm.
 

Giờ thực hành của học sinh Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: ANH TUẤN
Giờ thực hành của học sinh Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: ANH TUẤN

Chị Nguyễn Thanh Lan, có con là học sinh lớp 9 Trường THCS Huy Văn (quận Ðống Ða) cho biết, sau khi biết con không đủ điểm trúng tuyển vào lớp 10 công lập, gia đình đã tìm hiểu mô hình vừa học văn hóa vừa học nghề dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. "Với lựa chọn cho con học nghề, gia đình hy vọng con sẽ có định hướng việc làm sớm" - chị Nguyễn Thanh Lan chia sẻ.

Việc tuyển sinh học sinh lớp 9 để vừa đào tạo nghề vừa dạy bảy môn văn hóa để thi tốt nghiệp THPT đang là xu hướng được thành phố khuyến khích. Chia sẻ về mô hình đào tạo này, ông Phạm Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long cho biết, nhà trường đang thực hiện mô hình đào tạo trung cấp nghề và văn hóa THPT giảm tải. Sau hai năm, các em lấy bằng trung cấp và có thể tiếp tục liên thông học cao đẳng, đại học. Ðây được xem là hướng đi hiệu quả trong việc thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS nhằm bảo đảm kiến thức văn hóa, chuyên môn và có bằng tốt nghiệp trung cấp để liên thông lên trình độ cao hơn.

Ðánh giá ưu thế của mô hình học nghề so với học THPT, ông Vinh cho biết, nếu các em chọn phương án là từ THCS lên THPT, sau đó mới học trung cấp thì thời gian sẽ dài hơn, học phí sẽ mất nhiều hơn. Nhưng nếu học theo mô hình của giáo dục nghề nghiệp, sau khi tốt nghiệp THCS, các em chỉ mất ba năm vừa học văn hóa vừa học trung cấp nghề, rút ngắn thời gian học liên thông lên cao đẳng, đại học. Mặt khác, các em còn được rút ngắn thời gian tiếp cận việc làm, bởi trong quá trình học nghề các em đã có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền giúp đỡ gia đình khi tham gia các hoạt động cùng doanh nghiệp. Với thay đổi trong đào tạo nghề hiện nay, học viên sẽ được tiếp cận các kỹ năng hành nghề, thực tế lao động sản xuất trong quá trình học. Trước kia, phần kỹ năng mềm trong dạy nghề chưa được chú trọng nhiều, nhưng bây giờ những chương trình về khởi nghiệp, về kỹ năng mềm, về làm việc nhóm, về ngoại ngữ... đều được các trường dạy nghề chú trọng và đào tạo để nâng cao chất lượng học viên, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường nhân lực.

Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội, hiện tỷ lệ học sinh thành phố tốt nghiệp THCS đăng ký vào hệ giáo dục thường xuyên và kết hợp với học nghề chiếm khoảng 7% mỗi năm. Xu hướng theo học các trường nghề đang ngày càng được chú ý bởi phù hợp với nhu cầu thực tế của những học sinh có học lực trung bình cần có định hướng việc làm sớm.