Công ty cổ phần chè Long Phú được hình thành khoảng 40 năm trước, nằm trên địa giới hành chính ba xã Đông Yên, Hòa Thạch và Phú Cát, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Cho đến nay, không ít gia đình công nhân có nhiều thế hệ nối tiếp nhau sinh sống ổn định trên mảnh đất này.
Thôn Long Phú được thành lập và toàn bộ diện tích đất đai đã được bàn giao cho chính quyền quản lý, nhưng đến nay người dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bà Nguyễn Thị T., người dân thôn Long Phú, xã Hòa Thạch cho biết: Gia đình bà có gần 6.000 m2 đất, trong đó có gần 200 m2 đất ở nông thôn, nhưng chưa được phân định rõ diện tích đất ở với diện tích đất sản xuất trên thực địa do việc bàn giao, tiếp nhận đất đai chưa rõ ràng.
Cùng với đó, việc trồng chè cũng không hiệu quả do diện tích đất manh mún, giá cả thấp, không có người thu mua... Nhiều người muốn chuyển đổi sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao, ổn định hơn cũng gặp khó. Người dân rất mong sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư xây dựng nhà ở, cải thiện chỗ ở.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 1988, Công ty chè Long Phú đã tiến hành giao đất trồng chè cho các hộ gia đình, trong đó có việc cho phép các gia đình nhận đất trồng chè được sử dụng 250 m2 làm đất thổ cư để làm nhà ở để sản xuất và bảo vệ tài sản.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) khi ban hành chính sách khuyến khích khai hoang mở rộng diện tích trồng chè cũng thống nhất giao bình quân mỗi hộ dân 5.000 m2, trong đó được sử dụng 200 m2 làm đất thổ cư.
Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty chè Long Phú, với tổng diện tích hơn 390 ha, trong đó có hơn 11 ha đất dành cho khu dân cư.
Sau đó, Công ty chè Long Phú tiến hành cổ phần hóa, chỉ còn chức năng sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực quản lý đất đai, nhân hộ khẩu... bàn giao lại cho chính quyền địa phương.
Đến năm 2018, công ty bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc giao đất, giao khoán đất đai đối với các hộ gia đình về địa phương quản lý.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân xã Hòa Thạch, đến nay việc bàn giao địa giới hành chính với Công ty chè Long Phú còn chưa dứt điểm. Nhiều hồ sơ bị thiếu, thất lạc. Nhân khẩu do chính quyền quản lý, nhưng đất đai, tài sản lại do công ty bàn giao mới chỉ thể hiện trên giấy tờ, chưa đầy đủ tính pháp lý.
Việc thành lập thôn Long Phú khi địa giới chưa rõ ràng cũng gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý hành chính, nhất là quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại địa phương.
Còn theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, không chỉ đối với xã Hòa Thạch, việc bàn giao của Công ty cổ phần chè Long Phú đối với hai xã Phú Cát, Đông Yên cũng chưa đầy đủ. Nhiều hồ sơ giao khoán đất cho cán bộ, nhân viên của đơn vị bị thất lạc nhiều, không đầy đủ, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng của chính quyền cơ sở.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 57 nông, lâm trường, với diện tích đất đai rất lớn. Phần lớn các đơn vị đã tiến hành cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động, bàn giao đất đai về chính quyền quản lý.
Tuy nhiên, công tác bàn giao đất nông, lâm trường còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa hoàn thiện do quá trình sử dụng đất kéo dài, công tác quản lý lỏng lẻo, vi phạm đất đai, trật tự xây dựng.
Nhiều công trình xây dựng trên đất chưa được xác định rõ thời điểm xây dựng, phạm vi đất ở hay đất sản xuất..., gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Để quản lý chặt chẽ đất đai, trật tự xây dựng và khai thác hiệu quả nguồn lực đất nông, lâm trường, các đơn vị liên quan cần sớm hoàn thiện công tác bàn giao, nhất là việc xác định mốc giới ngoài thực địa để thiết lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, đưa công tác quản lý đất đai dần đi vào nền nếp.