Chị Hoàng Thúy H. ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, tháng 6/2022, do có nhu cầu lấy lại vóc dáng sau sinh, chị H. đã đến Thẩm mỹ viện quốc tế Venus By Asian ở số 61 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để làm đẹp. Tại đây, chị được một người tự xưng là bác sĩ Hiền tư vấn làm các dịch vụ: Giảm béo, siết bắp chân, tái sinh mắt, tăng sinh mô cơ vùng ngực, với tổng số tiền 64,5 triệu đồng. Bác sĩ Hiền cam kết sau khi kết thúc liệu trình, bắp chân chị H. sẽ giảm được hơn 5 cm và tăng số đo vòng ngực. “Khi tôi đóng tiền xong, bác sĩ không hề thăm khám, lên phác đồ điều trị, mà ngay lập tức đưa tôi vào phòng làm thủ thuật, yêu cầu tôi cất điện thoại vào tủ đồ”, chị H. kể.
Sau khi được “làm đẹp”, khuôn mặt chị H. bị sưng tấy và tím bầm vùng quanh mắt nhiều ngày. Chị H. trở lại cơ sở thẩm mỹ đề nghị gặp bác sĩ làm thủ thuật để trao đổi, nhưng chỉ có nhân viên tư vấn tiếp chị và trả lời rằng mắt bầm tím là do tiêm thuốc tê. “Tôi cũng không được biết cơ sở này đã tiêm thuốc gì vào mắt tôi, thuốc đó có được cấp phép sử dụng hay không, có làm ảnh hưởng tới sức khỏe không? Còn bắp chân của tôi, bác sĩ cũng tiêm thuốc gây tê rồi sử dụng máy công nghệ cao tác động làm siết cơ, nhưng không có kết quả”, chị H. chia sẻ.
Tháng 8/2022, nhân viên của Thẩm mỹ viện quốc tế Venus By Asian thông báo lịch thăm khám cho chị H. ở cơ sở thẩm mỹ số 5, phố Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội và cho biết cơ sở ở 61 Ngô Thì Nhậm đã đóng cửa. Khi chị H. đến khám lại thì toàn bộ hồ sơ khám ban đầu của chị đã biến mất. Trong khi chị H. đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng hết các dịch vụ ghi trong hợp đồng, kết quả điều trị cũng chưa đáp ứng cam kết ban đầu. Hơn nữa, tại cơ sở mới này, không ai chịu trách nhiệm về những phản ứng bất thường trên cơ thể chị H.
Từ những thông tin bạn đọc phản ánh, Báo Nhân Dân đã có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị kiểm tra làm rõ sự việc. Tại văn bản trả lời của UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, từ tháng 4/2022 đến tháng 9/2022, UBND quận Hai Bà Trưng ban hành hai quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với ông Trần Mạnh Quân, đại diện hộ kinh doanh Thẩm mỹ viện quốc tế Venus By Asian, tổng số tiền phạt là 115 triệu đồng, đối với các vi phạm: Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đình chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Tại văn bản trả lời của UBND quận Cầu Giấy về việc kiểm tra xác minh thông tin báo nêu liên quan hoạt động của Thẩm mỹ viện quốc tế Venus By Asian, tại số 5 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Ngày 23/11/2022, UBND quận Cầu Giấy đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hoàng Hải Yến, chủ cơ sở Thẩm mỹ viện quốc tế Venus By Asian, số tiền phạt 50 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn hơn 5 tháng, do những vi phạm sau: Sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi hình dạng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể tại cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ (tái phạm lần 2); quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Hà Nội hiện có hàng trăm thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp nhưng chỉ có một số ít thẩm mỹ viện được Sở Y tế Hà Nội cấp phép đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.
Từ năm 2019-2022, đã có nhiều khách hàng gửi đơn tố cáo Thẩm mỹ viện quốc tế Venus By Asian về những hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và thiệt hại về tài sản của người dân. Cơ sở thẩm mỹ này cũng đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt, đình chỉ hoạt động, nhưng sau đó thay tên, đổi chủ, đổi địa điểm, rồi tiếp tục hoạt động và lặp lại các vi phạm trước đây.
Đơn cử như trường hợp bà Nguyễn Thị N. ở Bắc Ninh. Tin tưởng những thông tin quảng cáo của cơ sở thẩm mỹ về việc “sử dụng phương pháp tái sinh tự nhiên, không dao kéo, không xâm lấn, không tiêm bơm hay bất kỳ loại chất nào vào cơ thể, chỉ thông qua máy móc tác động vào các bó cơ, mô mỡ, nang lông...”, tháng 4/2022, bà N. đã đến Thẩm mỹ viện quốc tế Venus By Asian ở 61 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội để làm đẹp với tổng số tiền đã thanh toán là 165 triệu đồng. Quảng cáo như vậy, nhưng quá trình can thiệp vào các bộ phận trên cơ thể, nhân viên của cơ sở thẩm mỹ đã tiêm “chất lạ” vào bà N.
Trở về nhà sau khi được “làm đẹp”, bà N. cảm thấy đau nhức ở vùng gò má, ăn uống khó khăn, không há được miệng, vùng cằm bị cứng lại, vùng ngực bị đau và có vết bầm tím. Thấy sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bà N. đã đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ kết luận dưới cằm, má trái, tuyến vú của bà N. có nhiều ổ dịch, bị viêm, phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Hà Nội hiện có hàng trăm thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp nhưng chỉ có một số ít thẩm mỹ viện được Sở Y tế Hà Nội cấp phép đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Nhiều cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép, người hành nghề không có bằng cấp chuyên môn nhưng quảng cáo rầm rộ là cơ sở có đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, được đào tạo chuyên sâu, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại.
Trên thực tế, những người được gọi là chuyên gia, bác sĩ, kỹ thuật viên lại không có chuyên môn, bằng cấp ngành y, thậm chí chỉ là thợ làm nail, massage, gội đầu, sau khi tham gia khóa học tại các cơ sở spa, cơ sở đào tạo nghề trong vài tháng hoặc vài tuần, đã nhận mình là “chuyên gia”, “bác sĩ”... Nhiều cơ sở thẩm mỹ đã bất chấp an toàn sức khỏe của người bệnh để thu lợi. Thực tế là vậy, nhưng nhiều người vẫn lầm tưởng rằng tất cả các thẩm mỹ viện đều có thể thực hiện mọi thủ thuật làm đẹp, kể cả phẫu thuật thẩm mỹ. Không ít người vẫn phó mặc tính mạng của mình cho các nhân viên cơ sở thẩm mỹ, dẫn đến hệ lụy dai dẳng với biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đang tiếp nhận và điều trị một ca tai biến sau phẫu thuật nâng mũi. Bệnh nhân là Nguyễn Quỳnh Ng. ở quận Đống Đa, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng mũi sưng, hốc mũi chảy mủ. Chị Ng. cho biết, trước đó, chị đã đến một cơ sở thẩm mỹ để sửa mũi, kinh phí hết 40 triệu đồng. Tuy nhiên, sau ba lần cơ sở thẩm mỹ nâng, sửa mũi cho chị Ng. đã gây ra biến chứng nhiễm trùng. Bác sĩ Nguyễn Thị Huệ, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, khi tiến hành phẫu thuật lấy dị vật ở vách ngăn, hốc mũi chị Ng., các bác sĩ không thể xác định được đó là dị vật gì. Ca bệnh hiện khá nan giải do nhiễm phải vi khuẩn kháng thuốc, chị Ng. còn có nguy cơ bị biến dạng mũi.
Mới đây, tòa soạn tiếp tục nhận được đơn của chị Nguyễn Thị Hồng Nh. ở phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội phản ánh về việc chị là nạn nhân của một cơ sở thẩm mỹ trên phố Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội do nhân viên tiêm “chất lạ” vào mặt chị gây biến chứng. Trước đó, chị Nh. đã tin tưởng vào quảng cáo cơ sở thẩm mỹ “sử dụng công nghệ làm đẹp tối ưu, an toàn, hiệu quả, không dùng kim, không sưng đau...”.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân trước khi tiến hành bất cứ can thiệp thẩm mỹ nào, cần tìm hiểu kỹ lưỡng về giấy phép, tay nghề đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, điều kiện thực hiện, trang thiết bị làm đẹp.
Trước tình trạng tràn lan các cơ sở thẩm mỹ trái phép, không phép, gây hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân trước khi tiến hành bất cứ can thiệp thẩm mỹ nào, cần tìm hiểu kỹ lưỡng về giấy phép, tay nghề đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, điều kiện thực hiện, trang thiết bị làm đẹp.
Đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thông thường như: Phun, xăm, thêu trên da; spa, chăm sóc da, thì không được thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ như: Cắt mắt, nâng mũi, tiêm chất làm đầy, hút mỡ và các dịch vụ xâm lấn liên quan đến y tế. Đối với các cơ sở có thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ như: tiêm chất làm đầy, tiêm filler, tiêm truyền trắng da, lăn kim hay các dịch vụ có gây chảy máu khác, cắt mí, nhấn mí..., phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề đúng phạm vi được cấp phép, danh mục kỹ thuật cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ như: Nâng ngực, hút mỡ... phải thực hiện tại các bệnh viện đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Các cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường công tác quản lý và kiểm soát các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở quảng cáo, đào tạo, hoạt động dịch vụ thẩm mỹ không phép, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng về phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định; công khai kết quả xử lý các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân thông qua số điện thoại đường dây nóng.