Trải nghiệm ở bảo tàng và định hướng giáo dục di sản

Ða dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm, sử dụng di sản văn hóa trong dạy học là định hướng của Bộ Giáo dục và Ðào tạo nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học trong nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, việc đưa học sinh đến với bảo tàng, tổ chức các tiết học chuyên đề tại bảo tàng vẫn chưa thật sự được chú trọng, vì vậy chưa phát huy được giá trị của di sản trong giáo dục học đường.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tham gia “Giờ học lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Học sinh tham gia “Giờ học lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến tháng 12/2021 cho thấy: Cả nước có 166 bảo tàng với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 105 di tích quốc gia đặc biệt, 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Các di sản văn hóa được phân bố trên tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc đưa các nội dung liên quan đến di sản văn hóa vào học đường, giáo dục học sinh trân trọng các di sản văn hóa của dân tộc cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bảo tàng là nơi hội tụ các giá trị di sản văn hóa, nơi khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ. Thông qua hệ thống tư liệu, hiện vật, hình ảnh, biểu tượng, thước phim sinh động..., bảo tàng được xem là một trường học lý tưởng ngoài nhà trường. Mỗi hiện vật, tư liệu, hình ảnh sẽ kể câu chuyện lịch sử, văn hóa theo một cách riêng, sinh động, tạo niềm hứng thú và để lại ấn tượng sâu sắc trong nhận thức của học sinh.

Thời gian qua, một số trường học tại Hà Nội đã phát huy hiệu quả hoạt động trải nghiệm, đưa học sinh đến tham quan, học tập tại bảo tàng, phát huy giá trị tài nguyên trực quan để truyền dạy kiến thức và các kỹ năng cho học sinh, khơi dậy niềm hứng thú với lịch sử, văn hóa và khai mở những tiềm năng của học sinh. Ðơn cử, chỉ hai tuần sau lễ khai giảng năm học mới 2023-2024, Trường THPT Việt Ðức, quận Hoàn Kiếm, đã tổ chức cho học sinh đến tham quan, học tập tại Bảo tàng Tố Hữu để tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của một người cộng sản trung kiên, nhà thơ lớn của dân tộc.

Ngoài giờ dạy trên lớp, nhà trường còn đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh, trong đó chú trọng việc đưa học sinh đến tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử để bồi đắp kiến thức thực tế cho các em.

Cô Hồng Liên, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Việt Ðức

“Ðưa các em đến thăm bảo tàng Tố Hữu, tôi mong muốn các em hiểu sâu sắc hơn về con người, cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ Tố Hữu, khơi gợi hứng thú về môn học ngữ văn; giúp các em có nhận thức đúng về giá trị thơ ca cách mạng và hình thành lý tưởng sống đúng đắn”-cô Hồng Liên nói.

Từ khi thành lập (tháng 10/2020) Bảo tàng Tố Hữu đã đón nhiều đoàn học sinh đến tham quan, học tập. Nhiều em ghi chép cẩn thận những điều yêu thích vào sổ tay cá nhân và bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình trong cuốn sổ cảm tưởng của bảo tàng. Từ những chia sẻ của các em cho thấy, hoạt động tham quan, học tập tại bảo tàng là những tiết học rất ý nghĩa, bổ ích.

Cô Phạm Kim Ngân, hướng dẫn viên Bảo tàng Tố Hữu

Nằm ở vị trí trung tâm của Thủ đô, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm có điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại các di sản văn hóa. Năm học nào học sinh các khối lớp cũng được tham quan, học tập chuyên đề tại các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày; Hoàng thành Thăng Long; Tòa nhà Quốc hội và Bảo tàng Khảo cổ học Việt Nam…

Sau buổi tham quan, học tập và trải nghiệm trong chương trình “Giờ học lịch sử” với chủ đề “Tìm hiểu tiến trình lịch sử Việt Nam từ thời kỳ tiền sử đến thời kỳ dựng nước”, tham gia trò chơi “đi tìm báu vật”, em Nguyễn Minh Thư, học sinh lớp 6A2, Trường THCS Ngô Sĩ Liên hồ hởi nói: “Ðây là tiết học lịch sử tuyệt vời nhất với con từ trước đến nay”.

Với mô hình câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử”, đến nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức hàng trăm buổi học với hàng nghìn học sinh tham gia, trong đó có cả học sinh Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Ðến các bảo tàng khu vực Hà Nội, học sinh còn được trải nghiệm làm đồ gốm, chơi các trò chơi dân gian (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam); đánh máy chữ, in báo Việt Nam Ðộc lập, in tranh cổ động (Bảo tàng Hồ Chí Minh)...

Tại Nghệ An, trong các năm học vừa qua, Phòng Giáo dục thành phố Vinh cũng chủ trương, đối với môn học Lịch sử, tổ chức cho tất cả học sinh lớp 9 tham quan Bảo tàng Xô viết Nghệ-Tĩnh hoặc tổ chức dạy học chủ đề “Xô viết Nghệ Tĩnh” tại bảo tàng.

Tuy nhiên, trong phạm vi cả nước, số lượng trường tổ chức được các buổi học ở bảo tàng đến nay vẫn chưa nhiều. Không ít trường chưa từng tổ chức cho học sinh đến bảo tàng. Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, hiện nay mới có khoảng 30% các trường học trong thành phố đưa học sinh đến tham quan, học tập. Các trường học ở địa bàn xa thành phố, tỷ lệ còn ít hơn nhiều.

Kết quả khảo sát của một nhóm nghiên cứu ở một số trường trung học phổ thông trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn và Lào Cai cho thấy, việc đưa di sản văn hóa vào dạy học và tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức tham quan, học tập trải nghiệm tại di sản vẫn chỉ mang tính hình thức, được coi là hoạt động ngoại khóa. Sau buổi trải nghiệm học sinh chưa có các sản phẩm thu hoạch, chưa có các buổi thảo luận, trao đổi, nhận xét về sản phẩm.

Phần lớn, các bảo tàng cũng chưa có những chương trình giáo dục di sản hấp dẫn, để lại được những bài học ấn tượng sâu sắc cho học sinh. Hình thức học tập chủ yếu là các trường đưa học sinh đến bảo tàng nghe thuyết minh, giới thiệu khái quát về nội dung trưng bày, mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”.

Theo nghiên cứu trên, một trong những nguyên nhân của tình trạng nhiều trường chưa thật sự quan tâm, chú trọng việc đưa học sinh đến học tập tại bảo tàng là do chương trình giáo dục phổ thông còn nặng về truyền thụ kiến thức để phục vụ cho các kỳ thi. Với chương trình bậc tiểu học hiện nay, việc bố trí thời gian để học các nội dung liên quan và đưa di sản văn hóa vào nhà trường là rất khó khăn. Ngoài ra, kinh phí để sử dụng cho dạy và học từ di sản văn hóa còn hạn chế. Vì vậy, con đường học sinh đến với bảo tàng, di sản văn hóa tưởng gần mà vẫn xa.

Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học, ngành giáo dục nên bổ sung bộ môn Văn hóa Việt Nam vào chương trình chính khóa phổ thông; lồng ghép nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học. Bên cạnh việc đưa vào tiết học chính khóa thì cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm: về nguồn, học ở bảo tàng, tại địa phương... Việc xây dựng các chương trình giáo dục di sản trong học đường không chỉ giúp học sinh hiểu biết về giá trị của các di sản, về lịch sử, văn hóa, mà còn phát huy được nhiều kỹ năng, hướng tới việc phát triển toàn diện cho học sinh.