Trải nghiệm không gian văn hóa Tết tại Hải Dương

Từ ngàn xưa, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân sang, dù ai có đi xa bất cứ nơi đâu, cũng đều mong muốn được trở về quê hương, bản quán, được sum họp bên gia đình, tưởng nhớ và tri ân tổ tiên, nguồn cội.
0:00 / 0:00
0:00
Trải nghiệm văn hóa Tết xưa ở Bảo tàng tỉnh Hải Dương.
Trải nghiệm văn hóa Tết xưa ở Bảo tàng tỉnh Hải Dương.

Từ xa xưa, Tết Nguyên đán đã lưu giữ những giá trị nhân văn, những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện mối giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên trong không gian văn hóa độc đáo. Trong xã hội ngày nay, nhiều người, nhất là giới trẻ không mấy quan tâm đến trang phục, món ăn truyền thống, các phong tục tập quán trong dịp Tết. Sự bận rộn của cuộc sống, sự kết nối dễ dàng với các trào lưu văn hóa du nhập từ bên ngoài thông qua các thiết bị công nghệ nghe, nhìn hiện đại đã làm mọi người ít nhiều xao lãng những nét văn hóa truyền thống.

Nhằm hướng về cội nguồn, chia sẻ tình cảm yêu thương và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà hương sắc Tết Việt, những năm gần đây, việc tái hiện không gian Tết xưa ở tỉnh Hải Dương đã nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành và sự nhiệt tình hưởng ứng của người dân. Tại các nơi công cộng như khu vực quảng trường, thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa, chợ dân sinh, chợ hoa, khu phố đi bộ, chợ ẩm thực, đặc biệt là tại các trường học, các đơn vị đã phục dựng không gian Tết xưa. Mọi người tập trung vào việc tái hiện những hình ảnh gần gũi, sát thực với đèn lồng, câu đối đỏ, cùng đào, mai rực rỡ, kết hợp với những trò chơi dân gian như ô ăn quan, chơi chuyền, bịt mắt đánh trống, nặn tò he...

Hầu hết các trường học đều tổ chức các sự kiện đa dạng, phong phú, ngập tràn sắc xuân như: hội chợ xuân, chợ quê, lễ hội gói bánh chưng, lễ hội trò chơi dân gian, dựng lều chõng thi trạng nguyên để học sinh có cơ hội trải nghiệm và tham gia, với mong muốn tạo cho học sinh có thêm nhiều niềm vui trước khi về nghỉ Tết cùng gia đình và cũng là để giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường mầm non Liên Hồng Nguyễn Thị Gấm cho biết: Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, nhà trường kết hợp với phụ huynh học sinh tổ chức cho trẻ hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa Tết xưa. Phụ huynh ủng hộ ngày công, tre, nứa, lá cọ… cùng với giáo viên và các bé đã tái hiện khung cảnh ngày Tết ấm áp với nhiều gian hàng trải nghiệm như mô hình chợ quê, tô tượng, thư pháp, các trò chơi dân gian, vẽ tranh Đông Hồ… Nhà trường đã đưa vào kế hoạch giáo dục hằng ngày theo chuỗi các hoạt động với chủ đề Tết và mùa xuân.

Trong chuỗi hoạt động Tết và mùa xuân năm 2024, nhiều trường học đã giáo dục, nâng cao nhận thức cho trẻ về Tết Nguyên đán. Các cháu được thể hiện tình cảm của mình bằng những lời chúc tụng năm mới với người thân, với các thầy cô và bè bạn; hiểu sâu hơn về nét văn hóa đặc trưng trong những ngày Tết như: Tục mừng tuổi, gói bánh chưng, trang trí nhà cửa bằng đào, quất, câu đối, đi chúc Tết và các lễ hội mùa xuân.

Ông Vũ Văn Mạnh, Hội trưởng Hội phụ huynh Trường mầm non Liên Hồng bày tỏ: Tôi thật sự ấn tượng với không gian Tết cổ truyền ở trường được các cô giáo phục dựng. Những trải nghiệm tô tượng, viết chữ thư pháp, gói bánh chưng xanh, mâm cơm sum vầy đã tạo cho các con niềm hứng khởi, tạo ra năng lượng tích cực. Đặc biệt, cô giáo và cha mẹ đồng hành với các con trong các điệu múa truyền thống như: kết đoàn, nhảy sạp, các trò chơi dân gian như: đập niêu, nhảy bao bố, ném còn, đi cầu kiều, bắt vịt…, giúp rèn các kỹ năng, tạo cơ hội cho trẻ được tham gia trải nghiệm những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.

Tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương những năm gần đây, nhờ tổ chức các hoạt động tái hiện không gian Tết xưa đã tạo ra điểm nhấn và là điểm đến của hàng chục nghìn học sinh trong tỉnh; thu hút đông đảo người cao tuổi và thanh niên.

Ngắm nhìn các hiện vật trưng bày trong bảo tàng, bà Hoàng Thanh Nga, cựu thanh niên xung phong cho rằng: Những gian hàng Tết thời bao cấp với hơn 200 hiện vật gốc đã tái hiện sinh động, gợi lại cho lớp người cao tuổi những ký ức, sự hoài niệm không thể nào quên; đồng thời mang lại cho những người trẻ, các học sinh sự tò mò, hấp dẫn, mong muốn tìm hiểu về một thời kỳ gian khó của dân tộc. Đặc biệt, khu vực tổ chức trải nghiệm có rất nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn hướng về văn hóa truyền thống và liên quan đến Tết xưa như: gói bánh chưng, làm gốm trên bàn xoay truyền thống, làm cốm, in tranh Đông Hồ, trang trí mặt nạ giấy bồi, vẽ hoa văn trên đồ gốm, viết thư pháp, cùng các trò chơi dân gian như bắt chạch trong chum, chơi ô ăn quan, bịt mắt đập niêu, kéo co...

Thưởng thức không gian Tết tại nhiều nơi ở Hải Dương, người dân được trải nghiệm các nghi lễ như: Tết ông Công, ông Táo, dựng cây nêu, lễ tất niên; phục dựng ban thờ gia tiên, phục dựng một góc chợ Đình (Hải Dương), không gian bếp ngày Tết… Hành trình hướng về Tết xưa đã góp phần giáo dục cho giới trẻ hướng về cội nguồn dân tộc, về truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước.