Trải nghiệm không gian Mộc bản triều Nguyễn trong kỷ nguyên số

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ vừa khai mạc triển lãm “Không gian Mộc bản Triều Nguyễn” và sự kiện “Hành trình Di sản trong thời đại số”. Đây là hoạt động hiện thực hóa đề án “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn” được Chính phủ phê duyệt năm 2016.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia nghiên cứu mộc bản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Các chuyên gia nghiên cứu mộc bản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Tại không gian triển lãm, công nghệ số đã tái hiện lịch sử một cách sống động, giúp người xem hiểu cặn kẽ quá trình hình thành mộc bản, cùng quá trình tạo tác, quy trình biên soạn, khắc ghi mộc bản.

Tại đây, lần đầu tiên, công chúng được trải nghiệm ứng dụng Hologram để hiểu về câu chuyện mộc bản bằng tranh cát, công nghệ 3D Mapping để xem quy trình biên soạn và khắc in mộc bản, sử dụng công nghệ thực tế ảo VR 360, quét mã QR Code để xem thông tin trưng bày…

Mộc bản triều Nguyễn là những bản gốc tài liệu, có giá trị đặc biệt về lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng… được UNESCO ghi danh Chương trình Ký ức thế giới vào năm 2009. Khối tài liệu quý này hiện đang được bảo quản nghiêm ngặt tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng).

Kinh tế tập thể và hợp tác xã đóng góp 3,9-4,07% vào cơ cấu kinh tế tỉnh Đắk Lắk

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk cho biết, giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn tỉnh có 213 hợp tác xã được thành lập mới. Đến tháng 9/2023 tổng số hợp tác xã toàn tỉnh là 746 hợp tác xã, 5 liên hiệp hợp tác xã và 403 tổ hợp tác.

Trong đó, có 612 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và 403 tổ hợp tác đang hoạt động. Hằng năm, kinh tế tập thể và hợp tác xã đóng góp từ 3,9%-4,07% vào cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Trong hơn hai năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã như: hỗ trợ thành lập mới 57 hợp tác xã với tổng kinh phí là 600 triệu đồng; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho 68 hợp tác xã với kinh phí 678 triệu đồng; hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho 10 hợp tác xã với tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng; tổ chức 125 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, với 5.046 lượt người được tham gia…

Festival văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 2023

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Festival văn hóa cồng chiêng tỉnh năm 2023 với chủ đề “Gia Lai-những sắc màu văn hóa”, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku.

Tham gia Festival dự kiến có khoảng 1.000 nghệ nhân dân tộc thiểu số đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum.

Trong khuôn khổ Festival sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ hội đường phố; sinh hoạt văn hóa cộng đồng; giới thiệu lễ hội, nghi thức văn hóa dân gian truyền thống; trưng bày, triển lãm nhạc cụ Tây Nguyên; ảnh nghệ thuật về văn hóa Gia Lai; giới thiệu Di tích Quốc gia đặc biệt và bảo vật quốc gia của tỉnh Gia Lai; giới thiệu văn hóa ẩm thực Tây Nguyên; trình diễn đan lát, dệt vải, tạc tượng, chương trình trải nghiệm tour du lịch Gia Lai.

Festival là sự kiện nhằm tôn vinh giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời cũng là dịp để các dân tộc các tỉnh Tây Nguyên gặp gỡ, giao lưu văn hóa, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy và quảng bá không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, Chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 11/2023 tại khu vực cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam- Lào-Campuchia và một số địa điểm tại huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum.

Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch phối hợp và thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh; tổ chức hội đàm với chính quyền tỉnh Rattanakiri (Campuchia) và tỉnh Attapeu (Lào) thống nhất triển khai công tác phối hợp với nhiều hoạt động trước và trong đợt giao lưu...

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã chủ động khảo sát, triển khai công tác chỉnh trang cảnh quan khu vực Nhà Kiểm soát liên hợp Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, khu vực cột mốc ngã ba biên giới; khoan giếng nước, lắp đặt điện khu vực mốc ngã ba biên giới; phối hợp với huyện Ngọc Hồi khảo sát, chuẩn bị công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, tặng học bổng cho học sinh nghèo, tặng bò giống cho hộ nghèo...