Trải nghiệm di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

NDO - Với mục đích tôn vinh nét đẹp trong thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn Mind Group xây dựng Chương trình trải nghiệm văn hóa “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui” tại không gian bảo tàng. Chương trình ra mắt chiều 7/6 và tiếp tục vào các tối thứ sáu, thứ bảy hằng tuần.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình trải nghiệm văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu, du khách.
Chương trình trải nghiệm văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu, du khách.

Đây cũng là chương trình ý nghĩa được ra mắt nhân kỷ niệm niệm 8 năm Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hưởng ứng Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt.

Chương trình trải nghiệm văn hóa “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui” quy tụ ekip thực hiện giàu kinh nghiệm, gồm: Tổng đạo diễn Nguyễn Xuân Thanh Tùng; Giám đốc chuyên môn: Tiến sỹ, Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển; Đạo diễn âm nhạc: Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Hải; Giám đốc sản xuất: Thạc sỹ Phạm Hoàng My. Chương trình được cố vấn bởi Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Lai Thúy (Viện Nhân học Văn hóa); Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết (Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam).

Trải nghiệm di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ảnh 2

Ekip thực hiện chia sẻ thông tin về chương trình.

Theo Tổng đạo diễn Nguyễn Xuân Thanh Tùng: Tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam qua những nhân vật vừa mang màu sắc huyền thoại, truyền thuyết, vừa có bóng dáng trong lịch sử. Qua quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu đã tích hợp nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật là phản ánh truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” khi phần lớn các vị thánh trong điện thờ tứ phủ là những người có công với đất nước.

Tuy nhiên, không phải người Việt nào cũng đã hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi thức hầu đồng là gì, sự chuẩn mực trong lời văn tiếng hát hay trên đường nét hoa văn trang phục thực hành nghi thức ra sao… Chính điều này đã thôi thúc những người thực hiện xây dựng Chương trình trải nghiệm văn hóa “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui”

“Dù không thể truyền đạt hết được trong một chương trình để khán giả có thể nắm đầy đủ kiến thức về tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng chắc chắn chương trình được thực hiện tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ mang đến cách truyền tải khác biệt, sáng tạo trên tinh thần tôn trọng văn hoá dân tộc, quảng bá vẻ đẹp trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt tới bạn bè trong nước, quốc tế”- Tổng đạo diễn Nguyễn Xuân Thanh Tùng nhấn mạnh.

Trải nghiệm di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ảnh 3

Phần trình diễn khăn chầu áo ngự.

Chương trình diễn ra ngay tại không gian trưng bày chuyên đề về tín ngưỡng thờ Mẫu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Trưng bày này giới thiệu những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua tiếng nói, trải nghiệm của người dân theo Mẫu ở Hà Nội và một số tỉnh phía bắc, góp phần nâng cao hiểu biết về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt.

Trưng bày gồm bốn chủ đề: Mẫu-Tâm-Đẹp-Vui tương ứng với bốn màu đặc trưng của tứ phủ: màu đỏ (Thiên Phủ - miền Trời), màu trắng (Thoải Phủ - miền Nước), màu vàng (Địa Phủ - miền Đất) và màu xanh (Nhạc Phủ - miền Rừng).

Với thời lượng 90 phút trải nghiệm thực tế, chương trình đưa khán giả đến với không gian ngập tràn các cung bậc cảm xúc khi được “chạm” vào những vẻ đẹp trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, thông qua phần giới thiệu sinh động về nhạc cụ, âm nhạc trong nghi thức hầu đồng, qua phần trình diễn đặc sắc về khăn chầu, áo ngự, cùng phần diễn xướng giá hầu.

Qua đó, người xem được đánh thức mọi giác quan: Thị giác, khi được tham quan nghệ thuật sắp đặt liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu; thính giác, khi được hòa mình vào không gian âm nhạc chầu văn, một thành tố không thể thiếu khi thực hiện nghi lễ hầu đồng; vị giác, khi được thưởng thức các đặc sản của ẩm thực Hà Nội; khứu giác, khi cảm nhận thấy hương trầm trong không gian huyền bí; xúc giác: khi được tận tay chạm vào bộ sưu tập khăn chầu-áo ngự, búp bê tứ phủ... từ đó thấy hoan hỉ, an yên trong không gian đậm chất văn hóa tâm linh tín ngưỡng dân tộc.

Trải nghiệm di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ảnh 4

Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển thực hiện giá hầu ông Hoàng Mười.

Đảm nhận vai trò là giám đốc chuyên môn, đồng thời là người trực tiếp diễn xướng hầu đồng trong chương trình, Tiến sĩ, Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển cho hay, điều đặc biệt là không gian của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã bảo đảm được tính thiêng cho việc tái hiện nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, bởi khu trưng bày bài trí hình ảnh ban thờ giống như ban thờ công đồng trong đền, phủ. Khi bước vào, sẽ có cảm giác như các vị thánh đang ngự trước chúng ta. Và các ông đồng, bà đồng khi diễn xướng hay hầu trước công đồng sẽ có trách nhiệm phải hầu theo đúng lề lối.

Theo ông, tiêu chí xây dựng chương trình là phải đảm bảo tính thiêng, sự uy nghi của các vị thánh, thần, đồng thời có tính nghệ thuật, diễn tả được giá trị cốt lõi của tín ngưỡng.

“Khi diễn xướng, chúng tôi cố gắng kết hợp hài hòa giữa hầu theo lối cổ và thể hiện những tinh hoa nghệ thuật. Từ biểu cảm gương mặt, động tác đến âm nhạc đều đậm đặc tính nghệ thuật. Đặc biệt, trang phục dù vẫn được thiết kế theo lối cổ nhưng đã được kết hợp thêm một chút yếu tố đương đại để tạo sự gắn kết gần gũi với công chúng hiện đại, nhất là thế hệ trẻ hôm nay”- Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển chia sẻ.

Trải nghiệm di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ảnh 5

Du khách hào hứng với giá hầu Cô Đôi Thượng Ngàn.

Là người từng giới thiệu về hầu đồng trên kênh truyền hình CNN và là người đầu tiên đưa khăn chầu, áo ngự lên sân khấu thời trang hiện đại, ông cũng cho biết sẵn sàng thuyết minh các nội dung trong chương trình bằng tiếng Anh, nếu chương trình thu hút được nhiều du khách quốc tế đến trải nghiệm.

Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết, chương trình đã được ekip thực hiện dành nhiều tháng để lên ý tưởng và thực hiện.

“Hiện, hệ thống trưng bày về tín ngưỡng thờ Mẫu tại Bảo tàng có những bức ảnh, nhân vật, câu chuyện, hiện vật, nhưng vẫn cần nhiều hơn sự sự tương tác với công chúng, du khách. Vì thế, bảo tàng nhận thấy cần phải xây dựng chương trình này. Chúng tôi kỳ vọng chương trình sẽ giúp thu hút nhiều hơn du khách trong nước, quốc tế đến với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Tuyết bày tỏ.