Trại cá tầm bên dòng suối mát

Với lợi thế về điều kiện khí hậu và nguồn nước lạnh dồi dào, những năm gần đây, ở xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã phát triển mạnh nghề nuôi cá nước lạnh. Nằm cách trung tâm huyện không xa, bên dòng suối mát, trang trại nuôi cá tầm của anh Huỳnh Ngọc Thu là mô hình có tiếng ở vùng đất này, hằng năm mang lại thu nhập hàng tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Huỳnh Ngọc Thu (người bên phải) trong trang trại nuôi cá tầm của gia đình.
Anh Huỳnh Ngọc Thu (người bên phải) trong trang trại nuôi cá tầm của gia đình.

Con suối dẫn nguồn nước mát lành về trang trại anh Thu được cư dân ở đây quen gọi là suối mát. Nằm ngay dưới chân núi, nơi khởi nguồn dòng suối mát, trang trại cá tầm của anh Huỳnh Ngọc Thu

(43 tuổi, quê TP Vũng Tàu) rộng gần 13.000 m2, có mái che và hệ thống lọc nước. Quan sát từ trên cao, trang trại được chia làm bốn khu chính, gồm hệ thống bể lắng, xử lý nước; khu vực ương nuôi cá giống, khu nuôi cá thương phẩm và khu sản xuất thức ăn.

Sau nhiều lần tìm hiểu, khảo sát nguồn nước, khí hậu, nhận thấy vùng đất Đam Rông rất phù hợp để nuôi cá nước lạnh, năm 2015, anh Thu bàn với gia đình để bắt đầu lập nghiệp trên vùng quê mới ở nam Tây Nguyên. “Từ năm 2012, tôi đã đi tìm hiểu nhiều nơi ở tỉnh Lâm Đồng, cuối cùng chọn vùng đất Rô Men để xây dựng trang trại. Bởi ở đây có suối mát từ núi chảy về, nguy cơ ô nhiễm rất thấp; nhất là vùng đất này có nhiệt độ ổn định, trung bình khoảng 25 độ C, biên độ nhiệt thấp, là điều kiện lý tưởng cho loài cá nước lạnh sinh trưởng”, anh Thu chia sẻ.

Từng tiếp xúc với nhiều chuyên gia người Nga và những chủ trang trại thành công với mô hình nuôi cá nước lạnh qua những cuộc hội thảo, anh Thu hiểu rõ tiềm năng, giá trị của loài cá tầm và yêu cầu khắt khe khi nuôi loài cá này. Vì vậy, anh Thu đã tổ chức mô hình khép kín trong trang trại của mình, từ khâu xử lý nguồn nước, nuôi cá giống, đến chế biến thức ăn và quy trình chăm sóc cá trưởng thành. Đến nay, trang trại cá tầm của gia đình anh Huỳnh Ngọc Thu được địa phương đánh giá đứng đầu về quy mô và hiệu quả kinh doanh. Hiện, ngoài vai trò là chủ trang trại cá tầm của gia đình, anh còn là Giám đốc Hợp tác xã cá tầm Huỳnh Ngọc Thu với sáu thành viên.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, từ vài bể nuôi cá đầu tiên, hiện trang trại gia đình anh Thu đã mở rộng, với diện tích mặt nước bể nuôi khoảng 800 m2. Tính toán sơ bộ phần đầu tư cơ sở vật chất, bể nuôi cá, nguồn cá giống, thức ăn... chi phí đầu tư đã lên tới khoảng 40 tỷ đồng. “Vốn đầu tư cao, nhưng sản lượng cung ứng thị trường bình quân hằng năm khoảng 600 tấn cá, với giá hơn 200 nghìn đồng/kg như hiện nay, đã mang lại doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt một nửa; và có thể thu hồi vốn trong vài năm”, anh Thu tính toán.

Dẫn chúng tôi thăm các bể nuôi cá, anh Thu cho hay, hiện trang trại có 80 bể nuôi cá nên người làm phải liên tục các công việc, từ dọn vệ sinh bể cá, cho cá ăn, làm thức ăn cho cá... Với quy mô như hiện nay, mình phải tự sản xuất thức ăn để bảo đảm an toàn cho cá và tối ưu hóa lợi nhuận. “Quan trọng là chất lượng và sản lượng, còn thị trường không lo, vì thương hiệu của chúng tôi đã có uy tín, cho nên đầu ra có hợp đồng và thị trường chủ yếu là khu vực phía nam”, anh Thu thông tin.

Hiện mỗi con cá tầm giống có giá khoảng 15 nghìn đồng, thời gian nuôi từ khi nhập giống đến lúc xuất bán là 15 tháng. Trang trại anh Thu tự nhập trứng và ương cá giống. Theo anh Thu, để cá tầm phát triển tốt nhất, cùng với thức ăn và quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, thì nhiệt độ nước, oxy trong nước và độ pH phải phù hợp. Với vùng đất này, nhiệt độ nước luôn bảo đảm khoảng 22 đến 25 độ C, là điều kiện lý tưởng để nuôi cá nước lạnh. Từ ngày đầu lập trang trại, anh Thu đã xây dựng hệ thống dẫn nước từ suối về bể, tiến hành lắng lọc, khử khuẩn, sau đó mới cung cấp tới các bể nuôi. “Ngoài yếu tố nhiệt độ, nguồn nước cũng cần phải ổn định, bảo đảm các tiêu chuẩn về lý hóa”, anh Thu cho biết.

Cùng chúng tôi thăm trang trại của gia đình anh Thu, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Rô Men Nguyễn Văn Thành thông tin, với lợi thế rừng đầu nguồn, nguồn nước dồi dào, điều kiện tự nhiên phù hợp, Rô Men có tiềm năng rất lớn để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Toàn xã đang có 45 hộ và hai hợp tác xã nuôi cá tầm, với tổng diện tích mặt nước khoảng 9,5 ha. Ông Thành khẳng định: “Hiện trang trại Huỳnh Ngọc Thu có sản lượng cá lớn nhất tại địa phương. Chúng tôi kỳ vọng, đây là mô hình phát triển kinh tế bền vững cho người dân tại địa phương trong thời gian tới” ■