Cả hai dự án trọng điểm ngành giao thông này hiện gặp vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Nếu chính quyền địa phương không kịp thời vào cuộc hỗ trợ, mục tiêu thông tuyến cuối năm 2025 và hoàn thành trong năm 2026 có nguy cơ khó khả thi.
Dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 (huyện Quảng Hòa, Cao Bằng), được phân kỳ đầu tư hai giai đoạn. Dự án đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, bao gồm đoạn Hữu Nghị-Chi Lăng dài 43 km, thiết kế theo quy mô bốn làn xe cơ giới, nền đường rộng 17 m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh-Cốc Nam dài 17 km, quy mô hai làn xe cơ giới, nền đường rộng 14,5m.
Theo báo cáo của doanh nghiệp dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, trên toàn tuyến, chính quyền địa phương hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã bàn giao được hơn 51,53 km; trong đó, Cao Bằng bàn giao 35,365 trên tổng số 41,55 km đi qua địa bàn (đạt 85,11%), còn Lạng Sơn mới bàn giao gần 16,2 km trong tổng số 51,8 km (đạt 31,2%). Nhiều gói thầu vẫn gần như “án binh bất động” bởi việc giải phóng mặt bằng, phê duyệt tiểu dự án giải phóng mặt bằng của các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn rất chậm, thủ tục bồi thường, chi trả tiền cho người dân cũng chưa đáp ứng yêu cầu.
Sau gần hai tuần phải đưa máy móc, thiết bị lên đồi cao tránh lũ tràn về do ảnh hưởng bão Yagi, hàng chục máy xúc, máy ủi, ô-tô vận chuyển của nhà thầu Trung Thành đã quay lại thi công tại phân đoạn Km27+500-Km38+00 thuộc gói thầu EC01 dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Phân đoạn này thuộc địa bàn xã Hùng Việt (huyện Tràng Định) khởi công từ đầu năm 2024, phấn đấu thông tuyến trong năm 2025, tuy nhiên, với tiến độ giải phóng mặt bằng chậm như hiện nay, mục tiêu đang trở nên ngày càng thách thức.
“Theo cam kết của chính quyền địa phương, đoạn tuyến 10,5 km của gói thầu EC01 này sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng trong tháng 8, bàn giao toàn bộ vào cuối tháng 10 tới đây, nhưng hơn sáu tháng qua, chúng tôi mới chỉ nhận được 1,2 km mặt bằng (chưa đạt 10%), điều đáng nói là trong số 1,2 km này vẫn còn đến 600m bị xen kẹt nhà dân, đất canh tác nông nghiệp, không đưa máy móc thi công đồng loạt được”, ông Phạm Thế Hưng, Chỉ huy trưởng gói thầu EC01 (nhà thầu Trung Thành) bày tỏ lo ngại.
Để bảo đảm tiến độ gói thầu EC01, nhà thầu đã bố trí khoảng 80 đầu máy, thiết bị và khoảng 200 nhân sự tổ chức thi công. Tuy nhiên, do không có mặt bằng nên chỉ mới huy động một phần rất nhỏ nhân lực, phương tiện và vẫn đang thi công cầm chừng. Nhà thầu kiến nghị các cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền, vận động, nhanh chóng giải tỏa, đền bù và bàn giao mặt bằng “sạch” cho nhà thầu có công địa triển khai, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ thông xe dự án vào đầu năm 2026 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Không chỉ ở tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, dự án đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng nằm trọn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, công tác giải phóng mặt bằng cũng rất chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Đại diện Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư dự án) cho biết, tuyến cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng dài khoảng 60 km được khởi công cuối tháng 4/2024. Đến nay, chính quyền địa phương mới bàn giao mặt bằng 12,68 km (khoảng 81,94 ha trên tổng số 557,82 ha, đạt 19,33%), nhưng công địa có thể đưa máy móc tiếp cận thi công mới đạt khoảng 70 ha (12,5%).
Tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện hai dự án đường cao tốc trên qua tỉnh Lạng Sơn vào giữa tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã nhấn mạnh: “Hai tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn này là dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông vận tải, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng của cả nước cũng như hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Tuy nhiên, qua đánh giá, tiến độ thực hiện dự án bị chậm so với yêu cầu do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa thường xuyên, kịp thời”.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ giải phóng mặt bằng hai dự án đường cao tốc trên địa bàn, trong báo cáo mới đây gửi Bộ Giao thông vận tải (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải), Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, chỉ tiêu đất giao thông được Chính phủ phân bổ không đủ (dự án Hữu Nghị-Chi Lăng thiếu 67,52 ha; dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh thiếu 160,5 ha), ảnh hưởng tới việc lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.
Hiện nay, các huyện, thành phố đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân nhận tạm ứng và bàn giao trước mặt bằng để triển khai dự án; đồng thời hoàn thiện các thủ tục trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa sang mục đích khác trong tháng 9/2024. Chỉ tiêu đất giao thông tại dự án Hữu Nghị-Chi Lăng còn thiếu 67,52 ha, tỉnh đã chủ động điều chỉnh, bổ sung đủ chỉ tiêu, nhưng tại dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh vẫn còn thiếu khoảng 160,5 ha.
Do vậy, tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 160,5 ha chỉ tiêu đất giao thông cho tỉnh để thực hiện dự án (điều chuyển 120 ha chỉ tiêu đất giao thông giai đoạn 2021-2025 từ Cao Bằng sang và tỉnh Lạng Sơn bổ sung thêm 40 ha).
Trong khi chưa hoàn thành đầy đủ thủ tục hành chính cho việc đền bù, hỗ trợ và tái định cư, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn giao các huyện, thành phố tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân; linh hoạt trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng; ưu tiên giải phóng mặt bằng tại các mũi thi công. Theo đó, các huyện có dự án đi qua khẩn trương hoàn thành di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các khu tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở, chậm nhất vào ngày 30/9 tới.