TP Hồ Chí Minh xây dựng 5 huyện ngoại thành đạt chuẩn đô thị loại III

NDO - Ngày 8/3, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu các đề án nhánh thuộc đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận, hoặc thành phố giai đoạn 2021-2030.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc đô thị huyện Củ Chi.
Một góc đô thị huyện Củ Chi.

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ở thời điểm hiện tại, việc Thành phố xây dựng các đề án nhánh thuộc đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận, hoặc thành phố giai đoạn 2021-2030 hướng tới mục tiêu xây dựng 5 huyện ngoại thành (Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn) thành các đô thị vệ tinh đạt chuẩn đô thị loại III (các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật phải đạt chỉ tiêu của đô thị loại I) theo ba tiêu chí: sinh thái, xanh, chuyển đổi số.

Các đô thị này cần phải có định hướng phát triển vượt trội so định hướng phát triển các đô thị bình thường và khắc phục được tình trạng phát triển đô thị theo vết dầu loang, tự phát, có nhà ở trước khi có hạ tầng như hiện nay.

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã định hướng cụ thể việc phát triển đô thị cho các địa phương. Cần Giờ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng. Hóc Môn chủ yếu là đô thị sinh thái gắn với dịch vụ. Nhà Bè theo hướng đô thị sông nước, đô thị cảng. Bình Chánh và Củ Chi cần phát triển theo hướng khu đô thị phức hợp, là khu vực tạo ra sản phẩm hỗ trợ cho những khiếm khuyết của đô thị trung tâm, như công viên chuyên đề, xử lý rác thải...

Để thực hiện được mục tiêu này, trong chính sách về quy hoạch đất đai, đầu tư, các địa phương cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển đô thị. Trong đó, chú trọng việc huy động nguồn lực tư nhân trong và ngoài nước.

Từ quy hoạch phải tạo ra giá trị, xây dựng cơ chế để mọi người dân, doanh nghiệp đều hưởng thụ từ quy hoạch này. Dù quy hoạch đó có thể là đất công nghiệp, đất ở, đất dịch vụ, đất công viên, cây xanh nhưng họ vẫn có thể quản lý đầu tư sử dụng mảnh đất đó đúng mục đích đó, làm ra tiền và sống khỏe. Mục đích cuối cùng của mọi chủ trương, chính sách là người dân có lợi, không chịu thiệt thòi.