Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hoạt động khoa học và công nghệ của Thành phố giai đoạn 2012-2021 đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tạo chuyển biến tích cực phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố. Trình độ công nghệ của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố đã từng bước được nâng cao và cải thiện qua từng giai đoạn.
“Những thành quả này từng bước đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ của khu vực phía nam nói riêng và cả nước nói chung”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. |
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thành phố có nhiều giải pháp, nhưng phát triển khoa học và công nghệ vẫn chưa theo kịp phát triển kinh tế-xã hội, quản lý đô thị của Thành phố và chưa thực sự trở thành động lực phát triển. Lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ tăng về số lượng nhưng còn thiếu những chuyên gia đầu ngành, nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm như: công nghệ sinh học, công nghệ vi mạch, trí tuệ nhân tạo.
Một trong những kết quả nổi bật qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW là Thành phố đã ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực hành chính công. Các quận, huyện, thành phố Thủ Đức xây dựng hiệu quả các phần mềm ứng dụng trực tuyến và các dịch vụ tiện ích, giúp doanh nghiệp, người dân thuận tiện trong liên hệ giải quyết hồ sơ, giấy tờ...
Nếu trước năm 2012, trình độ công nghệ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố đạt mức trung bình chiếm 36%, trung bình tiên tiến chiếm 8% thì đến giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ doanh nghiệp đạt mức trung bình chiếm 75%, trung bình tiên tiến chiếm 13%. Trong đó, ngành điện tử và công nghệ thông tin luôn là ngành có điểm trình độ công nghệ cao nhất trong các ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố.
Các tập thể nhận bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. |
Hoạt động khoa học và công nghệ cũng đóng góp quan trọng vào chuyển biến tích cực cho kinh tế Thành phố. Tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn tăng và ở mức cao trong giai đoạn 2011-2020, đạt trung bình 35,62%, trong đó đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74%. Trong giai đoạn 2012-2021, năng suất lao động xã hội của Thành phố cao hơn 2,7 lần, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước.
Với mục tiêu đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển kinh tế số, Thành phố tập trung các nguồn lực phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo vững chắc để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế-xã hội.
Đến năm 2030, Thành phố phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 40% trong GRDP; tỷ trọng đóng góp TFP vào GRDP đạt từ 50% trở lên. Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân hơn 1%/GRDP trở lên.
Cũng đến năm 2030, Thành phố phấn đấu có 5 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp…
Dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tặng bằng khen cho 50 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.