Một trong những ứng dụng được Trung tâm này thực hiện là mô hình “hybrid model-based” kết hợp với AI để cải thiện hoạt động giao thông trên các tuyến đường trục như: Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng,… qua đó, giúp giảm thiểu sự trì trệ, tình trạng đông xe, ùn tắc, dự đoán mô hình luồng dưới tác động của các yêu cầu giao thông khác nhau trong thời gian thực.
Hay ứng dụng AI đối với hệ thống tự động phát hiện sự cố nhằm hỗ trợ người vận hành trong công tác giám sát giao thông, giảm thiểu thời gian phát hiện sự cố (xe dừng, người đi bộ…), kịp thời xử lý các tình huống tai nạn xảy ra bên trong đường hầm sông Sài Gòn.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, trong năm 2024 Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều đề án giao thông quan trọng như lập đề án quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị, đưa vào khai thác tuyến Metro số 1, chuẩn bị thực hiện dự án Vành đai 4; đẩy nhanh tiến độ thi công Vành đai 3,…
“Sắp tới rất nhiều dự án quan trọng sẽ triển khai, ngành giao thông cần tối ưu hóa các khâu chuẩn bị đầu tư, tổ chức thi công. Làm sao rút ngắn thời gian triển khai dự án, siết chặt kỷ luật kỷ cương, xử lý các nhà thầu không làm tốt trách nhiệm”, ông Cường nhấn mạnh.
Sắp tới rất nhiều dự án quan trọng sẽ triển khai, ngành giao thông cần tối ưu hóa các khâu chuẩn bị đầu tư, tổ chức thi công. Làm sao rút ngắn thời gian triển khai dự án, siết chặt kỷ luật kỷ cương, xử lý các nhà thầu không làm tốt trách nhiệm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường
Hành khách được hỗ trợ làm thẻ thanh toán đi tàu Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: QUÝ HIỀN) |
Ngoài ra, đối với camera giám sát giao thông, hệ thống AI có thể tự động phát hiện các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tự động lưu trữ dữ liệu video vi phạm, trích xuất dữ liệu dùng chung và đưa ra các thông báo cảnh báo phương tiện vi phạm.
Thời gian tới, ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cho hay sẽ định hướng phát triển và mở rộng AI như nghiên cứu mở rộng việc tối ưu hóa chu kỳ đèn tín hiệu, quản lý lưu lượng theo mạng lưới trên một số khu vực trọng điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh như sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực trung tâm thành phố.
Trong lĩnh vực giao thông công cộng, có thể sử dụng AI phân tích dữ liệu hành khách để tối ưu hóa lộ trình và lịch trình của xe buýt, tàu điện ngầm, giúp giảm thời gian chờ đợi và tăng cường hiệu quả vận hành. Tự động điều chỉnh lịch trình và lộ trình dựa trên nhu cầu thực tế và điều kiện giao thông.
Phát biểu hội nghị tổng kết, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nhận định, năm qua ngành giao thông vận tải có nhiều nỗ lực, hoàn thành nhiều đầu việc được giao, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.
Năm 2025 là năm thực sự đột phá, đối với nhóm chuyển đổi số sở Giao thông vận tải nên nghiên cứu đề xuất thí điểm một dự án ứng dụng công nghệ đồng bộ ngay từ khâu chuẩn bị dự án giao thông chứ không phải chỉ ở khâu khai thác.
Ông Cường cho hay, tuyến Metro số 2 đang làm sẽ chuyển sang dùng nguồn vốn ngân sách Thành phố. Thiết kế đã có, mặt bằng sạch, di dời hạ tầng kỹ thuật đã xong. Khâu sắp tới là lựa chọn Tư vấn quốc tế để chuẩn bị thi công dự án.