Ngành Giao thông vận tải cần lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực cho phát triển

Sáng 28/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành Giao thông vận tải. Hội nghị được truyền trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị, (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị, (Ảnh: TRẦN HẢI)

Theo Bộ Giao thông vận tải, để đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành, đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc, một số cảng hàng không và các công trình giao thông trọng yếu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải họp định kỳ hằng tháng; Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, rõ trách nhiệm đối với từng bộ, ngành, địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm đổi mới tư duy, cách làm, Bộ Giao thông vận tải đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các ban quản lý dự án là chủ đầu tư, chỉ đạo các ban quản lý dự án khẩn trương kiện toàn mô hình tổ chức, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của từng tổ chức để bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Hằng tháng, Bộ trưởng chủ trì họp định kỳ kết nối trực tuyến đến văn phòng điều hành hiện trường từng dự án để chỉ đạo xử lý từng vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Lãnh đạo Bộ thường xuyên tăng cường kiểm tra hiện trường làm việc trực tiếp với người đứng đầu các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn cung vật liệu, bãi đổ thải...

Bộ Giao thông vận tải đã phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh" với tinh thần “Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa” để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu nhằm đẩy nhanh tiến độ đi cùng với việc bảo đảm chất lượng công trình.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tuyệt đối phải bảo đảm chất lượng, tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng; trong đó, ban hành nhiều công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo các chủ thể tham gia, nhất là các chủ đầu tư, tư vấn giám sát bám sát hiện trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình, tuyệt đối không để xảy ra sai sót về chất lượng, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Bộ đã phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình và được Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, qua đó giúp tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực trong đầu tư một số dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, chuẩn bị kịp thời, đầy đủ các báo cáo, kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo những giải pháp liên ngành để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ngành Giao thông vận tải cần lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực cho phát triển ảnh 1

Quang cảnh Hội nghị.

Đặc biệt, trước những khó khăn về nguồn cung vật liệu phục vụ các dự án trọng điểm, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp các bộ, ngành liên quan thành lập 2 tổ công tác trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt, xử lý theo thẩm quyền, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp cung cấp đủ vật liệu cho các dự án, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá.

Trong năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công 26 dự án; hoàn thành 20 dự án; trong đó, có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475 km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892 km.

Với vai trò là Bộ quản lý chuyên ngành, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp, hỗ trợ hiệu quả các địa phương là cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc trong quá trình chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án. Đến nay, các dự án đã khởi công và triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công 26 dự án (đường bộ 18 dự án; đường thủy 2 dự án; đường sắt 3 dự án; hàng hải 2 dự án và khối xây dựng 1 dự án); hoàn thành 20 dự án (đường bộ 17 dự án; hàng hải 1 dự án; đường thủy 2 dự án); trong đó, có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475 km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892 km.

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, năm 2023, với số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao vượt rất nhiều so kế hoạch xây dựng của Bộ, lớn nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021) với khoảng 94.161 tỷ đồng. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và nhiều thách thức trong bối cảnh nhiều dự án mới được khởi công, công tác giải phóng mặt bằng mặc dù đã đi sớm một bước nhưng chưa đáp ứng được tiến độ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Bên cạnh đó, tình hình cung ứng nguyên vật liệu, đặc biệt là nguồn cát đắp còn nhiều gian nan, thời tiết, thiên tai diễn biến hết phức tạp khó lường, nội lực của các doanh nghiệp gặp nhiều thử thách...

Trước tình hình đó, Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán mục tiêu, phấn đấu giải ngân tối đa số vốn được giao, tối thiểu phải đạt được 95% và tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thất thoát...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhiều vấn đề ngoài tầm dự báo; nêu rõ, Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế. Do đó, các bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải phải chú ý, phải phát triển nhanh và bền vững, chống tiêu cực trong ngành vì đầu tư lớn, trải dài từ bắc đến nam qua nhiều địa hình; phải lãnh đạo, chỉ đạo bao trùm, toàn diện, có hiệu quả.

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, năm 2023, với số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao vượt rất nhiều so kế hoạch xây dựng của Bộ, lớn nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021) với khoảng 94.161 tỷ đồng.

Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn, biến động, nhiệm vụ nặng nề hơn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực của ngành Giao thông vận tải, nhiệm vụ năm 2023 đã được hoàn thành xuất sắc, góp phần cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn an toàn, giữ mức bội chi ngân sách dưới mức được giao; đối ngoại được tăng cường; an ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; 3 đột phá chiến lược được đẩy mạnh, trong đó, có hạ tầng…

Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là ngành tài chính cần tăng thu, tiết kiệm chi, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vì “đường đi đến đâu, phát triển đến đó”.

Thủ tướng khẳng định, trong kết quả chung của cả nước có sự đóng góp quan trọng của toàn ngành Giao thông vận tải.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao thành tích của Bộ Giao thông vận tải; chỉ rõ, năm qua, lãnh đạo ngành Giao thông vận tải đã đi sâu, đi sát, tích cực chỉ đạo từng khu vực, từng vùng, từng dự án để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh các công trình giao thông trọng điểm. Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng, triển khai các quy hoạch, Bộ đã tích cực, chủ động rà soát, xây dựng và hoàn thiện thể chế: trình Chính phủ 13/13 Nghị định, đạt 100% kế hoạch theo chương trình công tác; đến nay, 5/5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông theo luật quy hoạch đã được Bộ hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thủ tướng lưu ý, quy hoạch phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược, phải có tính kết nối vùng miền, quốc tế. Bộ cũng tích cực phân cấp cho các địa phương; triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông năm 2023 với khối lượng lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ thực hiện rất tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải; chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương; chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia với tinh thần cấp nào, phương án nào có lợi nhất thì giao việc; đồng thời, tôn trọng khách quan, thực tiễn, khoa học; làm việc với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "3 ca, 4 kíp", “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, làm xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ.

Thủ tướng cũng đặc biệt biểu dương Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nỗ lực vượt mọi khó khăn tích cực triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thủ tướng yêu cầu phải công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng trong lựa chọn nhà thầu. Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ACV bảo đảm tiến độ triển khai tốt trên công trường dự án sân bay Long Thành. Bộ cũng làm tốt công tác chuyển đổi số, lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực cho sự phát triển. Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện nghiêm túc đường lối, sự chỉ đạo của Đảng, thực hiện nghiêm sự quản lý nhà nước; có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của doanh nghiệp, nhân dân.

Ngành Giao thông vận tải cần lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực cho phát triển ảnh 2
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại sự kiện.

Bên cạnh những vấn đề được thì còn những cái chưa được, do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải không say sưa với thắng lợi, không lơ là, chủ quan mà cần luôn nỗ lực và cố gắng hơn nữa để khắc phục mọi tồn tại, hạn chế.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh, cần quán triệt nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; đẩy mạnh hơn nữa, lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là động lực, nguồn lực, sự dẫn dắt trong việc khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công, giám sát, tổ chức thi công, bảo hành, bảo trì, các công trình trọng điểm góp phần bảo đảm tiến độ, chất lượng, giảm giá thành, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm phát triển nhanh và bền vững các công trình, dự án giao thông. Nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các vướng mắc, tinh thần là vướng mắc ở cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ, khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết, phải bám sát thực tiễn.

Phải xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng từng lĩnh vực. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đối với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi, tăng cường công cụ giám sát, kiểm tra; giảm tất cả các thủ tục hành chính gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Làm tốt công tác truyền thông, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chú ý các dự án cụ thể như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phải kiểm soát tiến độ, bảo đảm chất lượng, chống lãng phí, tiêu cực, vì đây là dự án trọng điểm quốc gia, thể hiện uy tín, tiềm lực, năng lực quản lý của chúng ta; chú ý khởi công các dự án hợp tác đối tác công-tư (PPP) như: khởi công đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Nam Định-Thái Bình, Gia Nghĩa-Chơn Thành... Bộ phải phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trên địa bàn.

Thủ tướng yêu cầu các nhà tư vấn phải thực hiện đúng quy trình, quy phạm; nhà thầu phải tôn trọng pháp luật, không lợi dụng chính sách; các ban quản lý dự án không được chia nhỏ các dự án, đấu thầu công khai, minh bạch, chỉ định thầu cũng phải đúng quy định; miễn là không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Các nhà thầu cũng phải đặt lợi ích của dân tộc, nhân dân lên trên hết, kinh doanh cũng phải có lãi nhưng phải bằng trí tuệ, sức lực, công khai, minh bạch chứ không phải bằng tiêu cực, trục lợi chính sách. Ngành Giao thông vận tải phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính; làm tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Với khí thế năm mới, Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống hào hùng, Bộ Giao thông vận tải đã làm tốt rồi thì quyết tâm cao hơn, nỗ lực rồi thì nỗ lực cao hơn, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.