TP Hồ Chí Minh cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho người dân

NDO -

Chiều 5/8, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Dương Anh Đức cho biết, thành phố đã và đang tổ chức tiêm chủng cho người dân kể cả người nước ngoài đang làm việc, sinh sống trên địa bàn.

Toàn cảnh cuộc họp báo.
Toàn cảnh cuộc họp báo.

Từ đầu đợt 5 (21/7) đến tối 4/8, theo thống kê chưa đầy đủ, thành phố đã tiêm cho 1.301.663 người, trong đó, đối tượng trên 65 tuổi và có bệnh nền là 207.297 người. Riêng trong ngày 4/8, có 184.256 người đã được tiêm.

Thành phố tiếp tục hỗ trợ đợt hai cho các lao động tự do bị mất việc làm do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo khoản 4, điều 2, Nghị quyết số 09 của HĐND TP Hồ Chí Minh. Theo đó, thành phố sẽ  hỗ trợ trực tiếp một lần với số tiền 1,5 triệu đồng mỗi người cho khoảng 334.192 người trong đối tượng này với dự toán kinh phí hơn 501 tỷ đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố.

Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động nghèo đang sinh sống trong khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa, gặp khó khăn trong cuộc sống do thời gian thực hiện giãn cách dài, thành phố sẽ hỗ trợ trực tiếp một lần 1,5 triệu /hộ; trong đó nguồn ngân sách thành phố là một triệu đồng/hộ, nguồn kinh phí xã hội hóa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh là 500 nghìn/hộ.

Dự kiến, có 90.585 hộ được hưởng chính sách này, trong đó, có 52.561 hộ nghèo và 38.024 hộ cận nghèo; số lượng các gia đình trong khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu bị phong tỏa khoảng 170 nghìn hộ. Dự toán kinh phí cho các đối tượng này hơn  390 tỷ đồng từ hai  nguồn: Ngân sách thành phố (hơn 260 tỷ đồng ) và xã hội hóa (hơn 130 tỷ đồng).

Ông Dương Anh Đức cho biết thêm, nếu thực tế số lượng hộ thuộc đối tượng này nhiều hơn thì thành phố vẫn hỗ trợ. Thành phố sẽ  hỗ trợ theo đối tượng chứ không giới hạn về số lượng.

Đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 16 đến thời điểm hiện nay, đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố có chuyển biến tốt từ trách nhiệm của cơ quan các cấp đến ý thức của người dân.

Việc ra đường từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều được người dân thực hiện nghiêm hơn, số người ra đường ít hơn. Các chốt tự quản đã tập trung nỗ lực xây dựng vùng xanh và có kết quả. Chính nỗ lực của người dân đã mang lại kết quả cho nơi mình sinh sống.

Thành phố đang tập trung thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân. Tất cả người dân đang ở thành phố nếu khó khăn về lương thực, thực phẩm thì thành phố phải bảo đảm cung cấp cho bà con, không chỉ trong một tuần mà trong nhiều tuần, nhiều tháng sắp tới, nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Thành phố sẵn sàng trích các quỹ dự trữ về gạo, lương thực, thực phẩm cũng như từ các nguồn bà con thành phố góp với nhau, nguồn hỗ trợ của người dân cả nước, nguồn ngân sách,… để hỗ trợ bà con khi cần thiết.

Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, từ các thông tin trên, đồng chí tin rằng việc chăm lo đời sống bà con dù có khó khăn hơn vẫn thực hiện được. Đồng chí cũng lưu ý, những trường hợp khó khăn chưa nhận hỗ trợ thì bà con nên phản ánh đến địa phương để có thể được chăm lo chu đáo.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam