Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: Ưu tiên hành động vì phát triển bền vững

Cảnh báo về những thách thức và rủi ro chưa từng thấy mà thế giới phải đối mặt trong năm 2023, từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, cuộc chiến chống đói nghèo, khủng hoảng khí hậu, bạo lực và bất ổn ở nhiều khu vực, cho tới tình trạng bất bình đẳng về phát triển kinh tế…, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hối thúc toàn nhân loại rằng, "giờ là thời điểm thức tỉnh và cùng nhau hành động". Đây cũng là những nhiệm vụ ưu tiên mà các quốc gia phải làm vì một thế giới hòa bình và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: UN
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: UN

Bài phát biểu của Tổng Thư ký Antonio Guterres trước Đại hội đồng Liên hợp quốc đề cập tới những ưu tiên hành động của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh trong năm 2023.

Theo Tổng Thư ký Guterres, xung đột và bất ổn sẽ tiếp diễn ở một số quốc gia và khu vực trong năm 2023. Thế giới đang đối mặt với nguy cơ một cuộc chiến quy mô lớn hơn bởi xung đột Nga-Ukraine và cơ hội đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này đang ngày một phai nhạt. Tại Palestine và Israel, giải pháp hai nhà nước đang ngày càng xa vời. Tại Afghanistan, các vụ tấn công khủng bố đẫm máu vẫn xảy ra thường xuyên. Tại Haiti, các băng đảng bạo lực đang bắt toàn bộ đất nước "làm con tin".

Vấn đề xóa đói, giảm nghèo cũng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên. Ông Guterres kêu gọi các nước đưa ra cam kết mới về tài chính nhằm tính tới các nhu cầu cấp bách và tiếng nói của các quốc gia đang phát triển. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, cũng cần phải có một cấu trúc nợ mới, theo đó xóa nợ và tái cơ cấu nợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương, trong đó có cả những nước thu nhập trung bình đang gặp khó khăn.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, thế giới đang đối diện với nguy cơ khẩn cấp.

Cuộc khủng hoảng khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống con người và đây là vấn đề thế giới không thể chần chừ thêm nữa. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, thế giới đang đối diện với nguy cơ khẩn cấp: nhiệt độ Trái đất tăng vượt ngưỡng 1,50C và hướng tới mức tăng gây chết người là 2,80C. Con người vẫn đang gây ra những hậu quả nặng nề đối với sự đa dạng sinh học của hành tinh; các đại dương ngày càng ô nhiễm vì chất thải, nhựa và hóa chất.

Trước thực trạng cấp bách này, hai nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay mà thế giới phải thực thi là cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đạt được mục tiêu cân bằng về môi trường ngay trong thập kỷ này.

Liên quan đến ưu tiên về ứng phó với biến đổi khí hậu và tài chính cho khí hậu, Tổng Thư ký Guterres đánh giá cao Việt Nam và một số nước đã tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng, xem đây là một trong những sáng kiến hiệu quả nhằm thúc đẩy mục tiêu quan trọng này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường phối hợp hành động, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và phòng ngừa, giải quyết xung đột .

Trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động phức tạp, với những thách thức đa chiều từ ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, cạnh tranh nước lớn, xung đột tại nhiều khu vực, tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, tác động của biến đổi khí hậu…, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường phối hợp hành động, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và phòng ngừa, giải quyết xung đột trong khuôn khổ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế vì lợi ích của các thế hệ tương lai.

Bài diễn văn của ông Guterres được dư luận báo chí đánh giá là "Thông điệp Liên hợp quốc của Tổng Thư ký". Đó là, "Hãy thức tỉnh và hành động. Hãy quyết tâm hành động trước khi quá muộn".

Theo người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, đã đến lúc thay cách tiếp cận hòa bình bằng cách tái cam kết tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, đặt nhân quyền và nhân phẩm lên hàng đầu, đồng thời lấy phòng ngừa làm trọng tâm. Liên hợp quốc mong đợi các nước thành viên khẩn trương hành động nhằm đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững, vì một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.