Ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố tình trạng thảm họa ở Hawaii trong bối cảnh cháy rừng khiến ít nhất 53 người thiệt mạng và hàng trăm công trình bị phá hủy hoặc hư hại.
Trong thông cáo báo chí, Nhà Trắng cho biết ông Biden chỉ thị chính quyền liên bang hỗ trợ bổ sung cho công tác phục hồi của bang và địa phương tại những khu vực bị ảnh hưởng.
Các cá nhân bị ảnh hưởng tại hạt Maui sẽ nhận được trợ cấp của chính quyền bang để dựng nhà ở tạm và sửa nhà.
Chính quyền bang cũng hỗ trợ các cá nhân và chủ doanh nghiệp những khoản vay chi phí thấp để bù đắp tổn thất tài sản không có bảo hiểm và một số chương trình khác để phục hồi sau thảm họa cháy rừng.
Ít nhất 3 đám cháy lớn bùng phát cuối ngày 8/8 ở bờ biển phía tây đảo Maui và nhanh chóng lan rộng, bao trùm thị trấn ven biển Lahaina.
Ngọn lửa lan quá nhanh khiến nhiều cư dân và du khách mất cảnh giác, nhiều người bị bỏng, ngạt khói và bị thương.
Các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn vẫn đang được khẩn trương tiến hành, trong khi hàng nghìn người đã phải di tản đến nơi trú ẩn khẩn cấp hoặc rời khỏi đảo.
Thống đốc Hawaii Josh Green nhận định số người thiệt mạng dự kiến sẽ còn tăng. Theo ông Green, 80% thành phố Lahaina bị thiêu rụi.
Hơn 270 công trình bị phá hủy hoặc hư hại, khoảng 1.700 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Thống đốc Green đánh giá: "Chúng tôi sẽ cần phải xây dựng lại toàn bộ Lahaina."
Đây là thảm họa tồi tệ nhất xảy ra ở Hawaii kể từ năm 1960, một năm sau khi Hawaii trở thành bang của Mỹ. Vào thời điểm đó, một trận sóng thần đã cướp đi sinh mạng của 61 người.
Thành phố Lahaina là một trong những điểm thu hút du lịch của đảo Maui, với 2 triệu du khách/năm, tương đương khoảng 80% du khách đến đảo.
Hiện chưa xác định được nguyên nhân cháy rừng ở Maui, song Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho rằng thảm thực vật khô, gió mạnh và độ ẩm thấp đã gây ra cháy rừng.
Theo ông Thomas Smith, Giáo sư Địa lý Môi trường tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, cháy rừng xảy ra hằng năm ở Hawaii, nhưng đám cháy năm nay bùng phát nhanh và lớn hơn bình thường.