Trong thông cáo được đưa ra cuối ngày 9/8, hạt Maui xác nhận, ít nhất 36 người đã thiệt mạng sau khi các đám cháy rừng tàn phá phần lớn thành phố nghỉ dưỡng Lahaina trên đảo Maui của bang Hawaii.
Ông Ed Sniffen (Sở Giao thông bang Hawaii) cho biết, hơn 11.000 du khách đã được sơ tán khỏi Maui. Ít nhất 16 tuyến đường đã bị đóng cửa, trong khi đó, sân bay Maui vẫn hoạt động bình thường. Ít nhất 20 người bị bỏng nặng đã được máy bay đưa tới đảo Oahu để điều trị.
Phía tây đảo Maui gần như bị cô lập hoàn toàn khi chỉ còn 1 tuyến đường mở cửa. Lối ra vào khu vực này chỉ dành cho nhân viên khẩn cấp và những người cần di dời. Lực lượng cứu hỏa đang ứng phó với 3 đám cháy lớn.
"Chúng tôi vừa trải qua thảm họa tồi tệ nhất mà tôi từng chứng kiến. Toàn bộ Lahaina bị thiêu rụi. Nó giống như ngày tận thế vậy", Mason Jarvi - một cư dân của Lahaina chia sẻ.
Video ghi lại từ trên không cho thấy những cột khói đen bốc lên từ Lahaina, điểm du lịch lớn nhất trên đảo Maui và cũng là nơi tọa lạc của nhiều khách sạn lớn.
"Nó vừa giống một khu vực đã bị đánh bom, vừa như vùng chiến sự", kênh Hawaii News Now dẫn lời phi công Richard Olsten cho biết.
"Xác" thuyền sau khi đám cháy quét qua. (Ảnh: Reuters) |
Trong bối cảnh cháy rừng diễn biến phức tạp, Phó Thống đốc bang Hawaii Sylvia Luke đã ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời cho biết, hệ thống bệnh viện của bang đang quá tải với số lượng lớn người bị bỏng và người bị ngạt thở nhập viện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh huy động "tất cả các tài sản liên bang hiện có trên quần đảo Hawaii để hỗ trợ ứng phó" cháy rừng.
Ông Biden xác nhận, Lực lượng Vệ binh quốc gia, Hải quân, Thủy quân lục chiến và Lực lượng Tuần duyên đã được huy động, trong khi Bộ Giao thông đang hỗ trợ sơ tán người dân. Các nỗ lực sơ tán đang gặp khó khăn do mất điện và dịch vụ điện thoại di động bị gián đoạn.
Thống kê sơ bộ cho thấy, cháy rừng đã thiêu rụi hàng nghìn héc-ta và phá hủy hoặc tàn phá 271 công trình tại Hawaii.
Hiện chưa rõ nguyên nhân cháy rừng bất ngờ bùng lên tại Maui. Tuy nhiên, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết, các tác nhân: thảm thực vật khô, gió mạnh và độ ẩm thấp đã khiến đám cháy mạnh hơn. Theo các nhà chức trách, gió của cơn bão Dora đã thổi ngọn lửa lan khắp bang Hawaii.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy đám cháy rừng tại Maui, Hawaii, Mỹ, ngày 9/8/2023. (Ảnh: Reuters) |
Tình hình hiện nay ở Hawaii gợi lại cảnh hoang tàn ở nhiều nơi khác trên thế giới trong mùa hè này. Các đám cháy rừng bùng lên trong thời tiết nắng nóng kỷ lục đã khiến hàng chục nghìn người ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và nhiều khu vực khác ở châu Âu phải sơ tán. Miền tây Canada cũng phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng bất thường của cháy rừng.
Cùng ngày, nhà chức trách Mỹ cho biết, một đám cháy rừng vừa thiêu rụi khoảng 20,2ha rừng tại Cedar Park, thành phố ngoại ô phía bắc Austin, thủ phủ bang Texas.
Các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Từ lâu giới nhà khoa học đã hối thúc các chính phủ cắt giảm lượng khí thải để ngăn chặn thảm họa khí hậu.