Theo đó, nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, bảo đảm nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công thương và Tổng cục Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Trong đó, chủ động phối hợp Sở Công thương địa phương và lực lượng chức năng tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Ngăn ngừa gian lận kinh doanh xăng dầu
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp nắm tình hình, xây dựng các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu trên các tuyến biên giới, vùng biển; tuyên truyền người dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay hoặc làm ngơ cho các đối tượng vi phạm.
Các đơn vị phải nghiêm túc triển khai, báo cáo tình hình kết quả thực hiện về Tổng cục Quản lý thị trường theo quy định để báo cáo lãnh đạo Bộ Công thương. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc báo cáo kịp thời về Tổng cục Quản lý thị trường nhằm thống nhất chỉ đạo.