Ngăn chặn gian lận trong kinh doanh xăng dầu

Vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường. Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu, đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, lấy mẫu giám định chất lượng xăng dầu,...
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua xăng dầu tại thị trấn Phủ Thông (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn).
Người dân mua xăng dầu tại thị trấn Phủ Thông (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn).

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết, lực lượng chức năng vừa tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Qua kiểm tra tại Công ty cổ phần Sao Mai Sài Gòn (ga Sóng Thần, thành phố Dĩ An), đoàn kiểm tra phát hiện dấu hiệu nghi vấn khi kiểm tra (test) nhanh mẫu xăng Ron 95 III tại cột đo số 2 và số 4 cho kết quả có trị số octan lần lượt là 86,5 và 86,6.

Lực lượng chức năng tiếp tục lấy mẫu xăng Ron 95 III gửi đi giám định chất lượng và cho kết quả mẫu xăng Ron 95 III của công ty này có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, theo kiểm đếm, giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ hơn 353 triệu đồng. Với lỗi vi phạm trên, lực lượng chức năng trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt gần 885 triệu đồng.

Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra cửa hàng xăng dầu Long Bảo 04, thuộc Công ty TNHH một thành viên Long Bảo (xã Ðất Bằng, huyện Krông Pa) phát hiện nhiều vi phạm như sử dụng phương tiện đo lường có chứng chỉ kiểm định hết liệu lực, mẫu xăng dầu đang bán có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; sử dụng nhân viên bán xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy,…

Lực lượng chức năng đã trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH một thành viên Long Bảo hơn 339 triệu đồng, buộc công ty này nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp cũng như thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng, hoặc tiêu hủy xăng dầu không đạt chất lượng, đồng thời buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng đối với 551 lít xăng, 264 lít dầu còn tồn trong kho không đạt chất lượng.

Ngoài vi phạm về bảo đảm chất lượng xăng dầu, qua kiểm tra hơn 50 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh Bình Ðịnh phát hiện ba cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm và ra quyết định xử phạt hơn 15 triệu đồng đối với các lỗi như không thực hiện định kỳ tự kiểm tra phương tiện đo, điều kiện thực hiện phép đo, phương pháp đo để bảo đảm lượng xăng dầu trong mua bán, thanh toán theo quy định pháp luật đo lường, sử dụng phương tiện đo nhóm 2 (bộ bình chuẩn kim loại: 1L, 2L, 5L, 10L) có chứng chỉ kiểm định đã hết hiệu lực.

Tương tự, trong quá trình kiểm tra việc chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình phát hiện cửa hàng xăng dầu Trường Thọ QB thuộc Công ty TNHH Trường Thọ QB (thôn 1 Thanh Tân, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy) và cửa hàng xăng dầu Mai Thủy (thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy) thuộc Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Thịnh Ðạt không đăng ký thời gian bán hàng theo quy định và ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm.

Cũng qua kiểm tra, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn phát hiện Công ty cổ phần vật tư xây dựng Quán Thanh (huyện Chi Lăng) đang kinh doanh xăng dầu sử dụng nhân viên bán hàng không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về bảo vệ môi trường theo quy định, với lỗi vi phạm trên, lực lượng quản lý thị trường ra quyết định xử phạt 25 triệu đồng.

Theo các chuyên gia, xăng dầu lưu thông không ngừng từ nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu, thông qua kho chứa, phương tiện vận tải đến các cửa hàng xăng dầu để bán lẻ đến người tiêu dùng. Khâu phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất chính là bán lẻ. Tại các thành phố lớn, công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ, xác suất sẽ tốt hơn; tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, việc kiểm tra sẽ khó hơn. Do đó, quản lý hệ thống đóng vai trò quan trọng bảo đảm chất lượng hàng hóa, đòi hỏi sự phối hợp của các doanh nghiệp phân phối và hệ thống quản lý, giám sát trên địa bàn. Hiện nay, tình trạng buôn bán xăng giả, xăng lậu tiếp tục diễn biến phức tạp và tinh vi, ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như các nhà sản xuất, nhà phân phối và khách hàng.

Tổng Cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về pha trộn, tiêu thụ xăng dầu giả, kém chất lượng, qua đó giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Qua thanh tra, kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhập khẩu xăng dầu chưa thực hiện đúng các quy định về đo lường, chất lượng, sản xuất, pha chế trái phép xăng dầu kém chất lượng, xăng dầu giả đưa vào lưu thông gây thất thu ngân sách.

Nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm, các lực lượng chức năng phải thực hiện hết trách nhiệm cũng như rất quyết liệt mới nâng cao công tác chống buôn lậu, gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Trong đó, phải phối hợp giữa các lực lượng rất tốt, thực sự hiệu quả từ tuyến biên giới, ngoài biển vào trong đất liền, cũng như sâu trong thị trường tiêu thụ nội địa; tăng cường thông tin về quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên liên tục mới ngăn chặn có hiệu quả vi phạm về chất lượng xăng dầu.

Ông Linh cũng cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu quản lý thị trường các tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu; phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn thực hiện kiểm tra, lấy mẫu xăng dầu để thử nghiệm, giám định về chất lượng; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình nguồn cung bị đứt gãy cục bộ để sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.