Tạo chuyển biến mạnh, cải thiện hiệu quả quản lý thị trường

Những năm qua, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã góp phần không nhỏ trong việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, từng bước xây dựng thị trường tiêu dùng ổn định, lành mạnh, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Mặc dù vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ, lực lượng quản lý thị trường cần tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn. (Ảnh Khánh An)
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn. (Ảnh Khánh An)

Theo đó, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức của cán bộ, công chức trong ngành phải thường xuyên được cải thiện, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các lực lượng nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Đạt nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo tổng kết mới đây của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), năm 2022, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thanh tra, kiểm tra 70.902 vụ; phát hiện, xử lý 43.989 vụ vi phạm, tăng 6%; chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, giảm 24% so năm 2021. Trong đó, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất 34.094 vụ, xử lý 33.368 vụ (chiếm 98%). Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 490 tỷ đồng, tăng 14% so năm 2021.

Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng. Các mặt hàng, lĩnh vực được lực lượng quản lý thị trường kiểm tra rất đa dạng, phong phú, ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường ngày càng tốt, nhất là các vụ việc kiểm tra, xử phạt mang tính đột xuất.

Riêng trong năm 2022, bên cạnh mặt hàng xăng dầu, toàn lực lượng đã tập trung kiểm tra những mặt hàng trọng tâm có nhu cầu tiêu dùng cao như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc. Từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, tránh gây nhiễu loạn thị trường.

Mới đây nhất, lực lượng quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra Trung tâm thương mại Sài Gòn Square tại chợ Tân Thành (Thành phố Hồ Chí Minh), phát hiện thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm là túi xách, mắt kính, quần áo, giày dép có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng; năm kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu với số lượng lớn ở huyện Bình Chánh.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tình trạng vận chuyển, tập kết, chế biến thực phẩm bẩn như thịt, mỡ, nội tạng động vật,... không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng cũng tăng mạnh. Đơn cử, ngày 9/1, lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội đã kịp thời phát hiện, thu giữ một tấn nầm lợn được cất giấu trong 35 bao tải bên ngoài in chữ Trung Quốc đang có dấu hiệu phân hủy, bốc mùi hôi thối. Qua khai thác nhanh, được biết số thực phẩm này đang trên đường vận chuyển đến các chợ đầu mối, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP Hà Nội để tiêu thụ.

Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh thẳng thắn nhìn nhận kết quả đạt được của lực lượng quản lý thị trường thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tình hình thực tế. Các đường dây, ổ nhóm có tổ chức chặt chẽ và hoạt động tinh vi diễn ra trên địa bàn liên tỉnh, toàn quốc ngày càng gia tăng.

Tình trạng này không chỉ ở một địa bàn cục bộ cấp xã, huyện, tỉnh mà có phạm vi rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng. Không chỉ tại kênh bán lẻ truyền thống, sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội,... với các kênh thương mại điện tử đang trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, thậm chí hàng cấm mà các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý.

Việc mua bán, giao dịch hàng hóa diễn ra trên môi trường mạng và các kho chứa hàng đặt tại những địa bàn hẻo lánh hoặc tại nhà dân, chung cư khiến cho việc trinh sát, kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, trở ngại do các đối tượng thường xuyên vận chuyển vào ban đêm và liên tục thay đổi địa điểm giao hàng.

Kịp thời khắc phục bất cập,hạn chế

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Lê Thanh Hải cho rằng, với những kết quả đã đạt được, cùng nhiều giải pháp, đồng bộ, quyết liệt được lực lượng quản lý thị trường thực hiện trong năm 2022 về cơ bản góp phần bảo đảm trật tự thị trường, không để xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, việc chống buôn lậu hàng giả muốn tốt được thì phải thông từ ngoài vào trong, cần sự phối hợp giữa các lực lượng. Hiện nay, sự phối hợp giữa các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, nhất là lực lượng quản lý thị trường, hải quan, biên phòng đã tốt hơn rất nhiều, nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Do đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp hơn nữa để tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của lực lượng quản lý thị trường, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra một số hạn chế, cần tập trung khắc phục. Trong đó, công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức công vụ cho công chức, người lao động trong lực lượng quản lý thị trường chưa đạt yêu cầu đề ra, sức ỳ trong đội ngũ cán bộ, công chức (nhất ở cấp cơ sở) còn lớn, tổ chức bộ máy chậm được củng cố, kiện toàn.

Thêm vào đó, công tác đấu tranh, phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả chưa cao; chưa phản ánh đúng thực tế tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra trên thị trường. Công tác kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ của ngành nhìn chung còn hạn chế; một số vấn đề, vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài nhưng chậm được giải quyết. Việc phối hợp với các ngành, các cấp, các lực lượng (nhất là ở cấp địa phương) có lúc, có việc còn thiếu đồng bộ, chưa tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tính nêu gương của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu một số nơi chưa rõ.

Vì vậy, lực lượng quản lý thị trường cần xác định đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là “cuộc chiến” trường kỳ, cần sự phối hợp từ nhiều phía. Trong đó, cần đổi mới phương thức tác nghiệp, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, bám sát địa bàn, gắn trách nhiệm của cán bộ, công chức với địa bàn. Kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của lực lượng quản lý thị trường; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, công chức trong lực lượng có dấu hiệu suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống,... đặc biệt cần nêu cao tinh thần chịu trách nhiệm của người đứng đầu, không được né tránh, đùn đẩy lên cấp trên.

Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức công vụ để xây dựng đội ngũ công chức quản lý thị trường thật sự có bản lĩnh, năng lực chuyên môn, liêm chính, trong sạch, hoạt động hiệu quả trong thời gian tới...