Bảo đảm công bằng trong kinh doanh xăng dầu

Bảy tháng đầu năm nay thị trường xăng dầu khá ổn định dù giá biến động thất thường, không còn xuất hiện tình trạng cây xăng dầu đóng cửa chờ tăng giá như thời điểm cuối năm ngoái. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, giá xăng dầu có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua đã khiến mức chiết khấu quay đầu giảm mạnh và có thời điểm về mức 0 đồng như giai đoạn trước.
0:00 / 0:00
0:00
Biến động giá xăng dầu ảnh hưởng khá lớn đến đời sống xã hội. Ảnh: NAM ANH
Biến động giá xăng dầu ảnh hưởng khá lớn đến đời sống xã hội. Ảnh: NAM ANH

Giá xăng dầu trong xu hướng tăng

Tại kỳ điều hành gần đây nhất vào ngày 11/8, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước cùng tăng 30 đồng/lít, lên lần lượt 22.820 đồng/lít và 23.990 đồng/lít. Đáng chú ý, đây là lần thứ tư liên tiếp xăng dầu tăng giá, trong đó có hai lần tăng rất mạnh.

Lý giải về nguyên nhân tăng giá, liên bộ Tài chính - Công thương cho biết, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Cụ thể, kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh và trong bối cảnh OPEC vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ; việc gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện của Arab Saudi và Nga cùng với những lo ngại về nguồn cung do khả năng xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine ở khu vực Biển Đen đe dọa các chuyến hàng dầu của Nga; lo ngại về nhiên liệu ở Trung Quốc…

Theo đó, mức dự trữ của Trung Quốc cũng tăng lên gần mức cao nhất kèm theo nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay, dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất…

Các yếu tố trên tác động khiến giá xăng dầu tăng giảm đan xen, nhưng nhìn chung là tăng. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 21 lần điều chỉnh, trong đó có 12 lần tăng, trong đó hai kỳ vừa qua tăng mạnh liên tiếp; có sáu lần giảm và ba lần giá giữ nguyên.

Mặc dù giá xăng dầu trong kỳ điều hành này tăng, song liên bộ Tài chính - Công thương quyết định không trích lập đồng thời không chi quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng. Liên bộ cho rằng, phương án điều hành giá xăng dầu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá hợp lý giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Ngoài ra, phương án trên bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường; hạn chế tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Việc không trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng được Bộ Tài chính thông báo trước đó. Nhà điều hành cho biết, theo số liệu ước tính từ báo cáo của các thương nhân đầu mối, tính tới ngày 31/7, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu hơn 7.438 tỷ đồng. Do đó, Bộ Tài chính quyết định dừng trích lập vào quỹ bình ổn giá xăng dầu từ đầu tháng 7 theo quy định của Thông tư 103.

Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng, hai nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn - chiếm khoảng 70% nguồn cung xăng dầu nội địa - đã sản xuất lần lượt hơn 3,79 triệu tấn và 4,32 triệu tấn xăng dầu các loại, từ ngày 25/8, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị cung ứng 35% sản lượng xăng dầu cả nước, dừng sản xuất 55 ngày để bảo dưỡng.

Khó khăn cho doanh nghiệp

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước không bị đứt đoạn, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn được yêu cầu có phương án hoạt động hết hoặc vượt công suất. Các doanh nghiệp đầu mối phải chủ động nhập khẩu từ tháng 7, không được để đứt gãy nguồn hàng.

Bộ Công thương cũng điều chỉnh phân giao tổng nguồn tối thiểu theo quý cho các doanh nghiệp đầu mối phù hợp, bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.

Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy trong tháng 7, Việt Nam nhập 1,05 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá 790 triệu USD. Lũy kế bảy tháng, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 6,26 triệu tấn, trị giá 4,95 tỷ USD, tăng 61% so với cùng kỳ 2022. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu thô thế giới sẽ nhích tăng trở lại trong quý III, ở mức 87-92 USD một thùng, tương ứng giá thành phẩm 90-98 USD mỗi thùng.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên Bộ Công thương luôn theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và thế giới để kịp thời chỉ đạo đưa giải pháp bảo đảm nguồn cung. Có thể thấy, bảy tháng đầu năm nay thị trường xăng dầu khá ổn định dù giá biến động thất thường, không còn xuất hiện tình trạng cây xăng dầu đóng cửa chờ tăng giá như thời điểm cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, giá xăng dầu có xu hướng tăng trong thời gian qua đã khiến mức chiết khấu quay đầu giảm mạnh và có thời điểm về mức 0 đồng như giai đoạn trước. Trong khi đó, việc sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu vẫn “giậm chân tại chỗ” sau nhiều tháng. Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, cơ chế điều hành hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, đặc biệt là quyền không được lấy hàng ở nhiều hệ thống và luôn bị nhà bán buôn chèn ép giá.

Sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu là vấn đề được các doanh nghiệp rất quan tâm. Theo cộng đồng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, việc sửa đổi các quy định của nghị định quản lý về kinh doanh xăng dầu có vai trò sống còn, tác động đến số phận hàng chục nghìn cửa hàng bán lẻ và nhiều doanh nghiệp liên quan đến mảng kinh doanh xăng dầu. Trong đó, liên quan tới các nội dung như phương thức điều hành giá, chiết khấu tối thiểu trong bán lẻ xăng dầu, quy định nguồn nhập hàng của các đại lý bán lẻ xăng dầu, đầu mối điều hành giá xăng dầu, Quỹ bình ổn giá...

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ phản ánh các quy định trong Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu không công bằng. Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ bày tỏ mong muốn phải được lấy hàng ở ít nhất là ba nơi để không bị chèn ép và không phải đóng cửa hàng khi nhà cung cấp duy nhất không giao hàng. Đồng thời, quy định về chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ phải được ghi nhận vào công thức tính giá cơ sở. Cùng với đó, cần quy định chiết khấu tối thiểu là 5-6%/giá bán lẻ tại thời điểm bán ra để bảo đảm doanh nghiệp bán lẻ hoạt động bình thường và xuyên suốt, kể cả lễ và Tết để phục vụ người dân và phát triển kinh tế.