Phát triển nhân lực chất lượng cao là yếu tố cốt lõi
Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, để tận dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy.
Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn, đó là: quyết tâm chính trị cao từ trung ương đến địa phương; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực điện tử; đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.
Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Đặc biệt là có lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang, với hơn 50% dân số dưới 30 tuổi (thời kỳ dân số vàng) và khoảng 1,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm.
“Với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu” - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, đồng thời cho biết, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành là một trong những nội dung cốt lõi mà Việt Nam cần tập trung triển khai nếu muốn nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội này.
Hiện thực hóa giấc mơ chip bán dẫn “Make in Vietnam”
Năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, với mục tiêu đào tạo được 50 nghìn kỹ sư bán dẫn, trong đó dự kiến có khoảng 15 nghìn kỹ sư thiết kế và 35 nghìn kỹ sư cho các công đoạn còn lại của ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng đề án vào thời điểm này là hết sức có ý nghĩa và kịp thời, thể hiện tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.
Việt Nam cũng là quốc gia có bước đi nhanh hơn, bài bản hơn so với các quốc gia đang phát triển trong khu vực với việc đưa nội dung phát triển nguồn nhân lực thành một đề án tổng thể để thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn ngày 24/4/2024. (Ảnh: VGP) |
Tại hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự bán dẫn vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.
Với nguồn cung lao động dồi dào và lực lượng lao động có chất lượng, có thể khẳng định nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới.
Vì vậy, việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động là một hướng đi chiến lược, là yếu tố quyết định để có thể tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư, tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Càng sớm đưa Đề án vào triển khai thì sẽ càng tăng cơ hội cho chúng ta phát huy được lợi thế nguồn nhân lực để phát triển. Vì vậy, chúng ta cũng không quá cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của thực tiễn trong nước và thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Đề án xác định đến năm 2030, đào tạo được 50 nghìn kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị, gồm 15 nghìn kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành.
Kỹ sư Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất.
Việt Nam tăng tốc đào tạo nhân tài cho cuộc đua công nghiệp bán dẫn
Xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án, gồm: chú trọng thu hút chuyên gia, nhân tài; tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn…
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Trong đó, đã có nhiều giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động triển khai trước để sớm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước như Trường Đại học Bang Arizona, các công ty Samsung, Cadence, Synopsys, Siemens, Google, Meta, FPT, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và các chuyên gia người Việt Nam tại Silicon Valley… để triển khai các chương trình đào tạo bán dẫn, trí tuệ nhân tạo cho giảng viên, sinh viên.
Đồng thời, xây dựng và phát triển các trung tâm đào tạo thiết kế chip, trí tuệ nhân tạo tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; cung cấp các công cụ thiết kế chip của Cadence, Siemens cho các cơ sở đào tạo; tổ chức các hoạt động tìm kiếm các giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo…
Gần đây nhất, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Tổ hợp Samsung Việt Nam đã tổ chức Lễ khai giảng “Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ - Samsung Innovation Campus (SIC) năm học 2023-2024” tại NIC cơ sở Hòa Lạc.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai giảng của “Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ - Samsung Innovation Campus (SIC) năm học 2023-2024”. |
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, chương trình SIC đánh dấu bước đi quan trọng trong hợp tác giữa hai bên nhằm cụ thể hoá tầm nhìn của cả hai tổ chức, đó là bồi dưỡng nhân tài công nghệ, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và dần trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới.
Theo đó, Samsung Việt Nam sẽ phối hợp cùng NIC triển khai 2 lớp đào tạo về Trí tuệ nhân tạo, 2 lớp đào tạo về Internet Vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT) và 2 lớp đào tạo về Dữ liệu lớn dành cho khoảng 200 sinh viên đến từ một số trường đại học.
Những chương trình này là một trong những bước đi để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được 50 nghìn kỹ sư ngành bán dẫn, với dự kiến khoảng 15 nghìn kỹ sư thiết kế và 35 nghìn kỹ sư cho các công đoạn còn lại của ngành.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc (thứ 2 từ phải sang) và các đại biểu tham quan 1 lớp học của Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ - Samsung Innovation Campus (SIC). |
Theo dự tính, tổng mức kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đến năm 2030 khoảng 26 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 17 nghìn tỷ đồng và nguồn xã hội hóa khoảng 9.000 tỷ đồng.
Giai đoạn đầu, Việt Nam tập trung đào tạo nguồn nhân lực để tham gia công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử và một số công đoạn khác liên quan đến sản xuất thiết bị, vật liệu, hóa chất. Hình thức đào tạo chủ yếu là ngắn hạn, nâng cao, chuyển đổi từ các ngành gần, ngành phù hợp sang ngành công nghiệp bán dẫn.
Song song đó, hình thức đào tạo chính quy cũng sẽ được triển khai trên cơ sở hợp tác chặt chẽ 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và liên kết quốc tế trong xây dựng, nhập khẩu chương trình, thu hút chuyên gia quốc tế về Việt Nam giảng dạy.
Đào tạo dựa trên tín hiệu thị trường, tránh phát triển nóng, tràn lan
Theo các chuyên gia, việc bảo đảm cung cấp đủ nhân lực cho ngành bán dẫn là cần thiết, nhưng chất lượng đầu ra và khả năng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp của các kỹ sư bán dẫn Việt Nam cũng là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm.
“Nhân lực được đào tạo phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, bởi công nghiệp bán dẫn là một ngành khá “bảo thủ” yêu cầu nhân lực có kinh nghiệm chứ không đơn thuần chỉ là chuyên môn đào tạo”, PGS, TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử phụ trách phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch của Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định.
PGS, TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử phụ trách phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch của Đại học Bách Khoa Hà Nội. |
Đây cũng là một trong những quan điểm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất trong quá trình xây dựng Đề án.
Cụ thể, Đề án xác định đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo; gắn việc học đi đôi với thực hành và bảo đảm đầu ra cho các học viên có thể làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt; viện-trường đóng vai trò trung tâm của quá trình đào tạo; doanh nghiệp đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ trong quá trình xây dựng giáo án, đào tạo, bố trí thực tập và bảo đảm đầu ra.
Tại Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Tập đoàn Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa phối hợp Tập đoàn Synopsys và Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức ngày 4/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh vấn đề đào tạo nhân lực bán dẫn theo nhu cầu thị trường.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” ngày 4/5. (Ảnh: VGP) |
Phó Thủ tướng cho rằng, cần xác định thế mạnh của Việt Nam, có thể nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ ngay những công đoạn nào trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn, từ đó, đánh giá nền tảng, tiềm năng nguồn nhân lực. Những công đoạn cần đi xa, đi vững chắc thì xác định những lĩnh vực đầu tư nghiên cứu cơ bản, đào tạo chuyên sâu.
Đào tạo ngành vi mạch bán dẫn cần có tính toán, dự báo dựa trên tín hiệu thị trường, thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường, tránh phát triển nóng, tràn lan, thiếu hiệu quả.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà
Vấn đề đặt ra là cần xây dựng tháp nhân lực phù hợp đối với từng trình độ đào tạo theo lộ trình triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Trong đó, chú trọng những ngành nền tảng căn bản của công nghiệp bán dẫn, thiết kế chip, như STEM với các ngành khoa học vật lý, vật liệu, toán học, hóa chất, điện tử, tin học, thiết kế hệ thống; đồng thời thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài.
“Đào tạo ngành vi mạch bán dẫn cần có tính toán, dự báo dựa trên tín hiệu thị trường, thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường, tránh phát triển nóng, tràn lan, thiếu hiệu quả. Việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, Phó Thủ tướng nói.