GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương và TS Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cùng chủ trì buổi tọa đàm.
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Bình Dương đã tạo được những chuyển biến đột phá trong phát triển kinh tế và đô thị. Từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, tỉnh Bình Dương có sự phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so thời điểm chia tách tỉnh vào năm 1997.
Với tầm nhìn đột phá, Bình Dương đã và đang đạt được sự phát triển khá toàn diện, cả kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghiệp-đô thị, nông nghiệp-nông dân và nông thôn. Kinh tế phát triển ổn định và bền vững, gắn với thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm dần các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động, công nghệ và kỹ thuật lạc hậu. Các vấn đề xã hội giảm độ nóng phức tạp.
Phát triển theo hướng đô thị thông minh, tỉnh Bình Dương đã trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF), tỉnh đã 4 lần liên tiếp được ICF Vinh danh Top 21, đặc biệt năm 2021 và 2022 trong Top 7 địa phương, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra một số kiến nghị trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình Dương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trọng tâm là những vấn đề liên quan tới chính sách, chủ trương đường lối và rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn…
Chia sẻ những giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tiếp theo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm, như: hình thành “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới; tập trung chuyển đổi số; tiếp tục thực hiện lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá với hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa.
Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tiếp tục triển khai mạnh mẽ định hướng di dời công nghiệp lên phía bắc; phát huy điều kiện tốt để xây dựng hạ tầng mới đáp ứng yêu cầu chất lượng cao; đồng thời, cải thiện, nâng cấp đô thị dịch vụ ở phía nam, trong đó thành phố mới với quy hoạch hiện đại, đồng bộ là trung tâm của tỉnh.
Phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao dấu ấn công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương là một trong những thành công vượt bậc của thời kỳ Đổi mới rất rõ, được coi là điển hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời cho rằng, tới đây, hình thái phát triển và cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương sẽ chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn hậu phát triển công nghiệp trong khi công nghiệp hiện đang chiếm gần ¾ nền kinh tế của Bình Dương.
Chính vì thế, đổi mới và có giải pháp, tỉnh Bình Dương cần tiếp tục xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vươn lên trong một số ngành, lĩnh vực.
Tỉnh cần tiếp tục có bước chuyển căn bản từ số lượng sang chất lượng bền vững; tận dụng công nghiệp 4.0 để chuyển đổi một cách bền vững giữa doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.