Tọa đàm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển của Văn học nghệ thuật Việt Nam, Văn học nghệ thuật Đắk Lắk

NDO - Thông qua buổi tọa đàm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk mong muốn tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của Đề cương về Văn hóa Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Sáng 31/10, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk tổ chức tọa đàm: 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam và sự phát triển Văn học nghệ thuật Việt Nam, Văn học nghệ thuật Đắk Lắk.

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk và các sở, ngành tỉnh Đắk Lắk; Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đông đảo các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài tỉnh…

Tọa đàm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển của Văn học nghệ thuật Việt Nam, Văn học nghệ thuật Đắk Lắk ảnh 1

Diễn tấu cồng chiêng chào mừng buổi tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk cho biết, cách đây tròn 80 năm, Đảng ta ban hành bản Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943- 2023). Đây là văn kiện lịch sử có tầm vóc và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi Đề cương đã vạch ra phương hướng phát triển cho nền văn hóa, văn học nghệ thuật-nền tảng tinh thần của quốc gia, dân tộc theo 3 nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa.

Tọa đàm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển của Văn học nghệ thuật Việt Nam, Văn học nghệ thuật Đắk Lắk ảnh 2
Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm.

Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 được ví như tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và cách mạng, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho cách mạng Việt Nam, nhất là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; định hình những quan điểm, nguyên tắc cơ bản cho thời kỳ đó và tiếp tục được bổ sung, phát triển trong nhiều năm tiếp theo.

Đồng thời, Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã phác thảo hoạt động của một đảng chính trị trong điều kiện hoạt động bí mật nên Văn bản là những định hướng lớn, những nguyên tắc nền tảng được tiếp tục phát triển phù hợp yêu cầu thực tiễn mới và khả năng, tầm nhìn của Đảng ta; trong đó đặc biệt chú trọng sự phát triển các phương châm Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

Tọa đàm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển của Văn học nghệ thuật Việt Nam, Văn học nghệ thuật Đắk Lắk ảnh 3

Các đại biểu tham luận tại buổi tọa đàm.

Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng luôn được chú trọng, đầu tư phát triển, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo tồn, khẳng định giá trị, bản sắc của văn hóa Việt Nam

Tây Nguyên là vùng có đông thành phần dân tộc nhất nước với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đây cũng là nơi duy nhất có đủ các nhóm ngôn ngữ dân tộc của Việt Nam.

Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm gần 27%, các dân tộc khác chiếm gần 9%. Những dòng người di cư từ khắp mọi miền đất nước đã mang đến Tây Nguyên những phương pháp canh tác, sản xuất, đời sống, lối sống và văn hóa khác nhau, tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, xã hội. Sắc thái văn hóa đa dạng của Tây nguyên biểu hiện rõ nét qua kho tàng văn học truyền miệng, qua nghệ thuật cồng chiêng và qua các lễ hội.

Song song với việc giữ được các nghề truyền thống của các dân tộc bản địa như đẽo tượng gỗ, đan lát mây tre, làm rượu cần, dệt thổ cẩm… các lễ hội đặc sắc như mừng cơm mới, cúng bến nước, hội đua voi,… nền âm nhạc truyền thống với nhạc cụ tre nứa, đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng và kho tàng văn học, văn nghệ dân gian đặc sắc của các dân tộc khác trên địa bàn đã tạo được vốn văn hóa đồ sộ, đa dạng và phong phú.

Đặc biệt, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…. tất cả những sự phong phú ấy tạo nên một Đắk Lắk trong Tây nguyên vô cùng đa dạng và phong phú về mọi yếu tố, từ các dân tộc đến văn hóa vô cùng thú vị và đặc sắc.

Sự đa dạng trong văn hóa, bản sắc và cộng đồng các dân tộc là điều kiện để văn học nghệ thuật lấy chất liệu từ dân gian phát triển mạnh mẽ. Thông qua hoạt động sáng tạo, các văn nghệ sĩ góp phần tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chú trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa và các giá trị đạo đức tốt đẹp, quảng bá về hình ảnh và con người của vùng đất đến với công chúng yêu văn học nghệ thuật trong vùng và khắp cả nước.

Tọa đàm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển của Văn học nghệ thuật Việt Nam, Văn học nghệ thuật Đắk Lắk ảnh 4
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk Huỳnh Chiến Thắng phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk Huỳnh Chiến Thắng nhấn mạnh, tọa đàm “80 Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam, Văn học nghệ thuật Đắk Lắk” là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận, hiểu sâu hơn và đưa ra những đánh giá, làm rõ các vấn đề cơ bản như: Phân tích làm rõ quan điểm cơ bản về văn hóa, văn nghệ và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943; làm rõ quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương trong việc xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung và văn học nghệ thuật Đắk Lắk nói riêng; đề xuất định hướng và những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập…

Đồng thời, tọa đàm là dịp để tôn vinh, lan tỏa và phát huy giá trị của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh của Đảng về văn hóa, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp phát triển toàn diện con người Việt Nam và chấn hưng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới.

Tọa đàm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển của Văn học nghệ thuật Việt Nam, Văn học nghệ thuật Đắk Lắk ảnh 5

Đại diện Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tham luận tại buổi tọa đàm với chủ đề: Giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong việc giữ gìn văn hóa các dân tộc Đắk Lắk trong giai đoạn hiện nay.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được nghe 16 tham luận của các sở, ngành, của Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, các nhà nghiên cứu văn hóa… xoay quanh các nội dung như: Giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong việc giữ gìn văn hóa các dân tộc Đắk Lắk trong giai đoạn hiện nay; phương pháp tiếp cận Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943; bản lĩnh kiến tạo sự đa dạng và độc đáo trong văn hóa các dân tộc thiểu số; phát triển văn hóa tộc người ở tỉnh Đắk Lắk theo tinh thần Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943; Đề cương về Văn hóa Việt Nam và phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam, Văn học nghệ thuật Đắk Lắk; Văn hóa là nền tảng tinh thần cho sự hình thành, phát triển của văn học nghệ thuật Đắk Lắk và Tây Nguyên…

Tọa đàm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển của Văn học nghệ thuật Việt Nam, Văn học nghệ thuật Đắk Lắk ảnh 6

Các đại biểu dự buổi tọa đàm.

Thông qua buổi tọa đàm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk mong muốn tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của Đề cương về Văn hóa Việt Nam.

Đồng thời, tọa đàm tổng kết, đánh giá quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung cốt lõi của văn kiện; tập trung làm rõ vai trò quan trọng của Đề cương đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nói chung, của Đắk Lắk nói riêng… Từ đó có những gợi ý, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục vận dụng, bổ sung, phát triển những tư tưởng cốt lõi của Đề cương nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của văn học nghệ thuật Đắk Lắk trong thời kỳ mới.