Tiếp tục phát huy tinh thần Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943

Ðề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 mang tư tưởng vượt trước, đặt nền móng cho hoạt động lý luận cũng như thực tiễn. Lấy ba nguyên tắc “Dân tộc-Khoa học-Ðại chúng” làm trụ cột, Ðề cương là khởi nguồn sinh động cho những đặc tính, gốc rễ của sáng tạo văn hóa nghệ thuật nước ta hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Ðề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện lịch sử, là cương lĩnh tổng thể đầu tiên của Ðảng về văn hóa, trong suốt những năm tháng đấu tranh cách mạng, xây dựng cuộc sống mới của dân tộc ta. Ðề cương còn là ngọn cờ, quy tụ các thế hệ văn nghệ sĩ cả nước, động viên, thức tỉnh, dẫn đường giới trí thức hăng hái tham gia mặt trận văn hóa, chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt, đặt nền móng xây dựng nền văn hóa mới của đất nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Luân Kim nhận định: 80 năm qua, Ðề cương dẫn dắt văn học nghệ thuật nước nhà “vị đời sống, vị xã hội”, thấm đẫm hiện thực, không xa rời thực tế. Thời gian qua, nhất là sau 37 năm đổi mới, tuy sáng tạo văn học nghệ thuật có những bước thăng trầm, nhưng thời kỳ nào cũng xuất hiện những tác giả, tác phẩm xuất sắc. Các tác phẩm đó đã đóng góp trí tuệ, góp phần tích cực khắc họa chân dung con người, cũng như đất nước Việt Nam. “Song nói chung, tác phẩm của chúng ta chưa đạt kỳ vọng. Số lượng tác phẩm thật sự chinh phục công chúng còn hạn chế.

Ðối với thế giới, hạn chế này còn ở mức cao hơn”, ông Trần Luân Kim đánh giá. Hiện nay, hoạt động văn học nghệ thuật ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang gặp một số hạn chế cả ở lĩnh vực sáng tạo lẫn ở lĩnh vực khai thác. Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nguyên nhân đầu tiên là do tình trạng nhận thức tầm quan trọng của văn học nghệ thuật chưa rộng rãi và đầy đủ.

“Chúng ta cũng chưa có giải pháp cụ thể, khả thi đưa văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội, đúng như Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề ra. Kế đó, là tình trạng định hướng chưa rõ ràng, thiếu phối hợp trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”, ông Trần Luân Kim cho biết thêm.

Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dù lực lượng quản lý văn hóa và lực lượng văn nghệ sĩ được quan tâm nhiều hơn, song chưa đúng mức. Hiện nay, chúng ta nhận thấy văn hóa giao tiếp trong gia đình, nhà trường vẫn còn nhiều chuyện đáng lo. Văn hóa nghệ thuật công cộng cũng chưa được quan tâm nhiều. Sự kết hợp giữa các cấp, các ngành, các hội là chưa đồng bộ.

“Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến lực lượng quản lý về văn hóa, lực lượng văn nghệ sĩ để sáng tạo ra nhiều tác phẩm, từ tác phẩm phổ thông đến bác học, để làm sao các tác phẩm càng gần với công chúng hơn, thì mới có thể tác động đến giáo dục về văn hóa, về nghệ thuật và nâng tầm thẩm mỹ của nhân dân”, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên nói.

Thời gian tới, để kế tục tinh thần Ðề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, Thành phố Hồ Chí Minh cần khai thông các ngành, các cấp, phát triển đồng bộ hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ thiết thực cho con người, xã hội. Ðể đáp ứng các đòi hỏi của tình hình mới, thành phố cần hoàn thiện hơn các kế hoạch, chương trình để tiếp tục vận hành, phát triển.

Ngành văn hóa cần tập trung triển khai nhiệm vụ chính trị của văn hóa nghệ thuật, thực hiện hiệu quả sáu nhiệm vụ, ba đột phá chiến lược trong Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, tiếp tục đổi mới hoạt động văn học nghệ thuật. Lợi ích kinh tế mà văn hóa nghệ thuật đem lại ngày càng có tầm quan trọng, nhất là khi đất nước ta đang thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm thu hút lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa lớn nhất cả nước. Ngoài nguồn lực lao động tại chỗ, thành phố còn thu hút rất nhiều nguồn lực lao động hoạt động trên lĩnh vực sáng tác, văn hóa, nghệ thuật đến làm việc và sinh sống, trong đó có cả Việt kiều, người nước ngoài. Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, để phát triển công nghiệp văn hóa, quan trọng nhất hiện nay là đội ngũ quản lý, đội ngũ kỹ thuật và vấn đề đào tạo để đáp ứng sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, ngoài ra cần phải quan tâm tháo gỡ những rào cản về cơ chế, chính sách...

Ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để xây dựng thành công Chiến lược công nghiệp văn hóa, đòi hỏi chúng ta cần phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có hai vấn đề cần làm rõ: Văn hóa đích thực và văn hóa thương mại trong thị trường văn hóa. Theo ông Lê Nguyên Hiều, đây là vấn đề ngành văn hóa cần phải quan tâm và có lời giải cụ thể khi thực hiện Chiến lược công nghiệp văn hóa. Bởi xét về “động lực và tính chất” thì một bên lấy văn hóa làm mục tiêu, còn một bên thì đặt lợi nhuận và giải trí là mục tiêu. “Văn hóa không đơn giản là lĩnh vực vui chơi giải trí như một số người nghĩ mà đây là lĩnh vực liên quan đến các giá trị nhân văn, đạo đức của xã hội, của chế độ, là vấn đề mà UNESCO đánh giá là nhân tố quyết định liên quan đến sức mạnh nội sinh của một quốc gia, một dân tộc”, ông Lê Nguyên Hiều chia sẻ thêm.