Câu chuyện Tượng gốm cổ có 3 chương:
Tượng gốm gia dụng dành cho sinh hoạt thường ngày như ấm trà hình chim phượng, lọ hoa hình cá chép, tước hình chim vẹt, hộp hình cua và các con giống.
Tượng gốm cho các công trình kiến trúc (nội thất hoặc ngoại thất, sân vườn) chủ yếu trong triển lãm này là tượng các linh vật gắn trên bờ nóc, đao, tam quan, trụ của đình chùa đền miếu.
Tượng gốm phục vụ các nghi lễ tôn giáo, tượng Phật, tượng Tam Đa (Phúc, Lộc, Thọ), tượng nghê thờ, bài vị, bát nhang...
Người Việt đa tín ngưỡng và cởi mở trong việc tiếp nhận các tôn giáo đến từ bên ngoài thì mỹ thuật trong đó có điêu khắc và điêu khắc trên chất liệu gốm phục vụ tín ngưỡng - tôn giáo phát triển là đương nhiên. Ấy là chưa kể người Việt có một truyền thống gốm, gốm là chất liệu phổ thông, gần gũi, thân quen với người Việt hơn nhiều chất liệu khác.
70 hiện vật nhưng cũng đủ các chất gốm, (xương đanh, xương xốp, sành, đất nung) đủ các mầu men đặc trưng của gốm Việt, men chàm, men nâu, men gạo nếp, men ngọc nước dưa, men rạn, men búp dong tiêu biểu cho các thời kỳ từ thời Đông Sơn, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn và đại diện đủ cho các làng gốm cổ truyền khắp cả nước: Thổ Hà, Bát Tràng, Chu Đậu, Biên Hòa...
Có thể coi đây là gợi ý cho một triển lãm trong tương lai khi mà những người tổ chức tập hợp được những tác phẩm điêu khắc gốm của các bảo tàng trên toàn quốc cũng như của cả các nhà sưu tầm tư nhân. |
Triển lãm Tượng gốm cổ Việt Nam mở cửa đón khách tham quan từ tháng 4-2014 tại phòng trưng bày chuyên đề Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. |