Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành văn bản số 3292/BHXH-PC hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức đợt cao điểm truyền thông về chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 10, tháng 11 năm 2023, cao điểm từ ngày 1 đến 9/11/2023.
Công văn nêu rõ, căn cứ công văn số 1855/BTP-PBGDPL ngày 11/5/2023 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11 hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc; bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung.
Trong đó, tổ chức đợt cao điểm truyền thông về chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 10, tháng 11 năm 2023, cao điểm từ ngày 1 đến 9/11/2023.
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật Việt Nam) 9/11 hằng năm bắt đầu từ năm 2013. Ngày Pháp luật Việt Nam được quy định cụ thể trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam. Đây là ngày trong năm để khẳng định vị trí thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ pháp luật tại Việt Nam và thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đến nay, Ngày Pháp luật Việt Nam đã triển khai được 11 năm.
Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 9
Ngày 9/11 được lấy là Ngày Pháp luật Việt Nam bởi đây là ngày Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội Việt Nam được thông qua (ngày 9/11/1946).
Đến nay, Việt Nam đã có 5 bản Hiến pháp. Bản Hiến pháp đang có hiệu lực là Hiến pháp năm 2013. Tuy vậy, ý nghĩa của ngày “khai sinh” ra bản Hiến pháp đầu tiên vẫn rất được trân trọng. Đó cũng chính là lý do Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 8 của Luật này cũng nêu rõ, Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Theo công văn hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần tập trung vào phổ biến chính sách, pháp luật, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, tập trung phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua năm 2022 và năm 2023; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dự luận xã hội; kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ; đơn giản hóa thủ tục hành chính thông tin về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông dự thảo chính sách đối với các dự án Luật có vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, trọng tâm là triển khai các hoạt động hưởng ứng thiết thực tại cơ sở bằng những hình thức phù hợp.