Ngày 20/2 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 37/TB-VPCP Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong đó, Thủ tướng đã xem xét, trả lời một số kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về vấn đề doanh nghiệp chậm đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động.
Yêu cầu hoàn thiện sớm các chế tài xử lý
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động, hiện nay tình hình doanh nghiệp chấp hành các quy định pháp luật liên quan quyền lợi của người lao động chưa nghiêm, nhất là các quy định về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cá biệt, có những doanh nghiệp mặc dù sản xuất, kinh doanh tăng trưởng vẫn lợi dụng ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, nhằm không tăng hoặc cắt giảm các phúc lợi đã thỏa thuận, dẫn đến những bức xúc cho người lao động.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội diễn ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua, lên tới gần 14.600 tỷ đồng tiền nợ (phải tính lãi), chiếm 3,4% số phải thu, khiến hơn 200.000 người lao động có nguy cơ không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu. Tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn để lại khoản nợ lớn tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn diễn ra, chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời. Trong đó, ngành giao thông vận tải và xây dựng là hai ngành có nhiều doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội...
Trước thực tế này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động. Có giải pháp cụ thể giải quyết quyền lợi cho hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết bảo đảm quyền lợi của người lao động…
Với những kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để bổ sung, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhất là hành vi trốn đóng, chậm đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội bảo đảm phù hợp, đồng bộ các quy định pháp luật liên quan.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHXH. (Ảnh LÂM THANH) |
Đề xuất phương án giải quyết quyền lợi người lao động
Ðể giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động, trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có Công văn số 386/BHXH-CSXH gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất phương án giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian vừa qua, tình trạng một số đơn vị phá sản, đang làm thủ tục phá sản, không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký hoặc không có người đại diện theo pháp luật nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội theo Luật định (chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội) đã ảnh hưởng quyền lợi chính đáng về hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động. Thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách cho thấy, do đời sống gặp nhiều khó khăn, người lao động tại các đơn vị này có nhu cầu được hưởng bảo hiểm xã hội và tự nguyện đóng nộp bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng các chế độ.
Ðể giải quyết kịp thời quyền lợi cho người lao động, thân nhân người lao động đồng thời bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục báo cáo và đề xuất giải quyết chế độ với một số trường hợp cụ thể. Trong đó, về chế độ hưu trí, đề xuất cho phép giải quyết chế độ lương hưu với người lao động có thời gian thực đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên (không gồm thời gian đang nợ); trường hợp người lao động có phần đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 10 năm trở lên (không gồm phần còn nợ), cho phép đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Khi có phương án giải quyết số tiền còn nợ bảo hiểm xã hội, sẽ tính bù thời gian tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động và điều chỉnh mức lương hưu... Ðồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có các đề xuất cụ thể đối với chế độ bảo hiểm xã hội một lần, chế độ tử tuất, chế độ ốm đau, thai sản cho những đối tượng này… để bảo đảm quyền lợi cho người lao động bị ảnh hưởng.