Và chúng tôi càng trở nên háo hức với chuyến đi tới bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, nơi tất cả cùng có dịp thưởng thức những nét đặc trưng của một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Yêu từ chiếc áo cóm đến câu hát, điệu múa
Chỉ cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 11km, nhưng con đường vào bản Hồng Lếch Cang khá khó đi. Hôm chúng tôi đến, trời không mưa nhưng chính vì khô ráo, cho nên tuyến đường đang thi công mở rộng càng trở nên bụi và xóc. Sự vất vả, cực nhọc của việc di chuyển chỉ dừng lại khi xe đưa chúng tôi đến nhà văn hóa bản.
Trên sân của nhà văn hóa, chín cô gái Thái uyển chuyển trong trang phục truyền thống, đầu đội khăn piêu thêu hoa văn nhiều mầu sắc rực rỡ, vai đeo ếp (vật dụng mang theo khi lao động) với những nụ cười rạng rỡ đang thể hiện các động tác múa mô tả sinh hoạt thường ngày như bắt cá, gieo hạt, trồng cây hay tắm suối. Trong ánh nắng chiều chiếu xiên qua từng chiếc cột nhà sàn, giữa bốn bề cây xanh và không gian yên tĩnh chỉ có tiếng chim hót, như thể đây đang là một bộ phim chiếu chậm chứ không phải là một buổi tập của đội văn nghệ bản Hồng Lếch Cang.
Và ở đấy, một lần nữa chúng tôi được nghe lại bài hát Điện Biên vui mùa xuân mới qua thể hiện của Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Liên mà anh lái xe đã bật trên quãng đường di chuyển từ thành phố Lai Châu đến thành phố Điện Biên Phủ từ tối hôm trước. Lời ca rộn ràng theo giai điệu dân ca Thái, mang nhiều cảm xúc về con người Điện Biên và không khí vui xuân giữa mùa hoa ban thật không thể thích hợp hơn. Có lẽ vì thế mà những động tác múa của các cô gái bản Hồng Lếch Cang càng lúc càng nhịp nhàng, uyển chuyển, làm say đắm và mê hoặc chúng tôi.
Sau điệu múa, chị Vì Thị Đỉnh, đội trưởng đội văn nghệ bản Hồng Lếch Cang cất cao tiếng mời gọi: Không xòe, cây ngô không ra bắp/ Không xòe, cây lúa không trổ bông/ Không xòe, trai gái không thành đôi, mời quý vị khách quý chúng ta hãy cùng ra sân tay nắm tay trong vòng xòe thân ái.
Vừa xem điệu xòe với các động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển và linh hoạt. Nghệ nhân Tòng Trung Chiến, người gắn bó với đội văn nghệ bản Hồng Lếch Cang từ năm 2007 và hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Thái tỉnh Điện Biên vừa giải thích cho chúng tôi, đó là điệu “khắm khen”, nghĩa là nắm tay cùng xòe. Đây là điệu xòe cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái, được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai. Khi săn được con thú, mỗi khi có niềm vui trong gia đình, cộng đồng mọi người nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa.
Đây cũng là những động tác cơ bản đầu tiên làm tiền đề để phát triển thành những điệu xòe tiếp theo và thành những tác phẩm múa dân gian đặc sắc. Ngoài ra, điệu xòe có ý nghĩa thể hiện sự gắn kết cộng đồng mỗi khi có niềm vui cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn hoạn nạn, cộng đồng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.
Khi tất cả thành viên của đội văn nghệ bản Hồng Lếch Cang trở vào dưới chân nhà sàn, chị Vì Thị Đỉnh cho biết thêm, xòe Thái có xòe vòng, xòe nghi lễ, xòe trình diễn, với sáu điệu cơ bản là khắm khăn mơi lẩu (nâng khăn mời rượu), phá xí (bổ bốn), đổn hôn (tiến lùi), nhôm khăn (tung khăn), ỏm lọm tốp mư (vòng tròn vỗ tay), ỏm lọm khắm khăn (nắm tay vòng tròn).
Xuất phát từ sáu điệu xòe cơ bản, đến nay đồng bào Thái ở Tây Bắc nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng đã phát triển thành 36 điệu xòe. Tuy nhiên, điệu “khắm khăn” mang tính phổ cập bởi già trẻ, gái trai, không phân biệt tuổi tác đều múa được và điệu xòe này phù hợp trong mọi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.
Mặc dù vậy, ý nghĩ xòe luôn gắn với sinh hoạt và văn hóa Thái không có nghĩa là người dân tộc Thái không nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị nghệ thuật. Việc đội văn nghệ bản Hồng Lếch Cang thành lập năm 2002 cũng nhằm mục đích đó, khi bản thân Vì Thị Đỉnh và nhiều chị em khác trong bản đều ý thức được rằng, nếu họ yêu văn hóa, văn nghệ của cộng đồng, họ nên ý thức và có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái, trong đó có xòe, để lớp trẻ biết đến xòe, các điệu múa cổ và rộng hơn là các loại hình văn hóa dân gian của người Thái.
Thật đáng ngưỡng mộ và khâm phục bởi năm 2002, Vì Thị Đỉnh chỉ mới 24 tuổi và phải 20 năm sau, xòe Thái mới được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vậy mà ở thời điểm đó, cô gái trẻ này đã hiểu được tầm quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc và của xòe. Có thể thấy, Vì Thị Đỉnh đã ý thức được việc làm sao để gìn giữ, biểu diễn, mang điệu múa, điệu hát đến với mọi người, để tất cả biết tới xòe và văn hóa của người Thái.
Nhớ lại những ngày đầu tiên đấy, giọng Vì Thị Đỉnh không khỏi nghẹn ngào, xúc động. Bởi cuộc sống khi đó còn nhiều khó khăn, các chị vừa phải tuyên truyền cho người dân trong bản, vừa phải động viên nhau sau những ngày làm việc mệt nhọc, để tất cả có thể tập trung và tập luyện vào buổi tối. Những lúc đấy, chính nhờ sự quan tâm của lãnh đạo ngành văn hóa địa phương đã giúp họ có thêm động lực và quyết tâm.
Vì Thị Đỉnh tâm sự: Đời chị, thế hệ chị nếu không làm thì thế hệ sau sẽ không biết văn hóa dân tộc và mọi thứ sẽ dần mai một. Liệu khi đó họ có còn tự xem mình là người Thái hay không. Bản thân chị lúc trước đi học còn không thích mặc cóm, trước khi chị hiểu rằng, đây là trang phục truyền thống của dân tộc mình và giờ, chị mặc cóm cả ngày cũng không thấy khó chịu khi chị yêu và quý trọng nét văn hóa này.
Cũng giống như dân ca Thái, trước kia, Vì Thị Đỉnh nghe những bài dân ca Thái mà không hiểu gì nhưng từ lúc tham gia đội văn nghệ, được tập huấn, chị dần hiểu rõ bản sắc văn hóa mỗi dân tộc, mỗi vùng miền và thêm yêu, thêm quyết tâm gìn giữ, bảo tồn văn hóa của dân tộc Thái.
Thật may là bản Hồng Lếch Cang không chỉ có một Vì Thị Đỉnh.
Nỗ lực của cả cộng đồng
Thực tế, sự tồn tại của đội văn nghệ bản Hồng Lếch Cang trong hơn 20 năm qua là một điều đáng trân trọng, khi thế hệ này đều nỗ lực trao truyền văn hóa dân tộc Thái cho thế hệ sau. Từ những người gắn bó ban đầu với đội như Vì Thị Đỉnh, Vì Thị Bình… đến những người trẻ sinh năm 1992 như Lường Thị Thương. Thậm chí, Vì Thị Bình tham gia đội văn nghệ bản Hồng Lếch Cang từ những ngày đầu dù con mới sinh được mấy tháng, cuộc sống nhiều khó khăn và như chị tâm sự, nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của chồng và gia đình nhà chồng, chị không thể gắn bó với đội hơn 20 năm qua.
Đáng nói là đội văn nghệ bản Hồng Lếch Cang hoạt động qua từng đó năm mà không có kinh phí cố định, tất cả đều là xã hội hóa, như việc cả bản góp tiền mua cho mỗi thành viên một bộ trang phục và một ếp, nhưng họ vẫn cố gắng duy trì đều số lượng thành viên và tinh thần, ý thức luyện tập.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn tự hỏi, nếu không có tình yêu và đam mê với văn hóa dân tộc mình, với xòe, với dân ca Thái, làm sao họ có thể duy trì hoạt động của đội văn nghệ trước sức ép của cuộc sống, trước những thay đổi chóng mặt của xã hội. Ban đầu, đội văn nghệ bản Hồng Lếch Cang còn có sáu thành viên là nam, nhưng do thu nhập không ổn định, tất cả đã rút lui để tập trung làm kinh tế hỗ trợ gia đình.
Và như Vì Thị Đỉnh chia sẻ, ngoài khó khăn về kinh phí còn là khó khăn về thời gian. Bản Hồng Lếch Cang có 84 hộ, nhưng chia thành ba cụm, công việc chủ yếu của họ vẫn là ra đồng, lên rừng, ban ngày đi làm, chỉ có buổi tối là rảnh rỗi để tập luyện. Để giữ nếp sinh hoạt của đội, tất cả đều phải sắp xếp việc nhà, phải được gia đình đồng thuận. Riêng Vì Thị Đỉnh với vai trò là đội trưởng còn phải vận động, g iải thích, phân tích để mọi người trong bản hiểu rõ trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa bởi ai cũng mải đi làm kinh tế thì ai giữ gìn, ai lan tỏa văn hóa đến cộng đồng.
Nói thế nhưng đến nay đội văn nghệ bản Hồng Lếch Cang cũng chỉ có 10 thành viên. Một phần vì lớp trẻ đều muốn đi làm ăn xa, một phần vì các thành viên hiện tại suy nghĩ đơn giản rằng, nếu thiếu người này có thể gọi người khác thay thế và họ không nhất thiết phải sinh hoạt thường xuyên cùng với đội. Chợt nhớ một chuyên viên làm ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La nói với chúng tôi rằng, mọi cô gái Thái sinh ra đều đã xòe cùng với mẹ của mình từ trong bụng, chúng tôi đã hiểu được vì sao xòe nói riêng và văn hóa Thái lại có sức sống mãnh liệt đến vậy.
Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái, không chỉ Điện Biên mà các tỉnh Tây Bắc đều rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành. Khó khăn lớn nhất vẫn là kinh phí hoạt động, để các câu lạc bộ, các đội văn nghệ có thể mua sắm trang phục, trang thiết bị, đạo cụ, và mời các nghệ nhân truyền dạy, cũng như chi phí di chuyển do địa bàn xa xôi.
Trở ngại là thế, nhưng từ khi biết tỉnh Yên Bái bắt đầu làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận xòe Thái, tỉnh Điện Biên cũng ngay lập tức tổ chức tập huấn, truyền dạy xòe truyền thống và xòe cổ. Theo nghệ nhân Tòng Trung Chiến, ngoài các văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, những tài liệu về xòe mà họ có được đều dựa trên ghi chép, kinh nghiệm từ các cụ già. Tất cả là tiền đề cho việc lưu giữ, bảo tồn sau này hay nhằm phục vụ cho những lần họ xuống cơ sở triển khai hoạt động tập huấn và truyền dạy.
Ngoài ra, với tư cách Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Thái, bản thân nghệ nhân Tòng Trung Chiến rất vui mừng và tự hào khi loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc nhất của dân tộc Thái được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghĩa là xòe Thái không chỉ là tài sản của dân tộc Thái mà còn là của nhân loại và điều này càng thúc giục những người như ông cần phải gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái.
Và đó cũng là lý do để người nghệ nhân sinh năm 1959 ấp ủ ý tưởng xây dựng một câu lạc bộ chuyên sâu, bảo tồn xòe Thái. Cuối tháng 12/2022, Câu lạc bộ bảo tồn xòe Thái ra mắt với sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh và đặc biệt là sự ủng hộ của cộng đồng dân tộc Thái trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Câu lạc bộ bảo tồn xòe Thái là tổ chức các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, phát huy, quảng bá nghệ thuật xòe Thái; truyền dạy cho thế hệ trẻ học tập và tham gia, trước mắt tập trung ở thành phố Điện Biên Phủ, lòng chảo Điện Biên rồi sau đó nhân rộng tới các huyện, chủ thể di sản văn hóa Thái như thành lập các câu lạc bộ ở các huyện nhằm truyền dạy loại hình nghệ thuật này tới học sinh từ cấp tiểu học trở lên.
Rời Hồng Lếch Cang với niềm vui và hy vọng rất lớn vào những người như nghệ nhân Tòng Trung Chiến, những cô gái như Vì Thị Đỉnh, Vì Thị Bình… chúng tôi như thấy được “vòng xòe quay mãi, quay mãi không ngừng” như trong bài thơ Đêm hội xòe của tác giả Lương Văn Tộ, khi: Tiếng trống, tiếng cồng vang giục giã/ Như chắp cánh niềm vui bay cao/ Cả “Khuống” mường bỗng dưng nghiêng ngả/Với vòng xòe nhún nhẩy say sưa/Đôi chân thon thon quen theo lối nương/Đôi chân bè đạp mòn lối ruộng/Quyện bên nhau rập rình/“Khắm xéo” quàng trên áo cóm/Tất cả rung lên, cả rừng hoa chao đảo/Cái dùi gỗ băm trên mặt trống/Rền như giông, như sấm...