Tinh thần “Tốt đời, đẹp đạo” của đồng bào công giáo huyện Xuân Trường

NDO - Giáo phận Bùi Chu là nơi đầu tiên các Giáo sĩ truyền đạo vào Việt Nam, hiện nay bao gồm giáo dân của 6 huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực và giáo dân các xã Nam Phong, Nam Vân, phường Cửa Nam, nhà thờ Khoái Đồng - thành phố Nam Định.
0:00 / 0:00
0:00
Một nghi lễ của người Công giáo tại Chính tòa Bùi Chu.
Một nghi lễ của người Công giáo tại Chính tòa Bùi Chu.

Huyện Xuân Trường là trung tâm vùng giáo của Giáo phận, là nơi đặt Trụ sở của Giáo phận là Tòa Giám mục Bùi Chu (tại xã Xuân Ngọc), có 1 Đại chủng viện Mẹ Vô nhiễm và 5 dòng nữ tu (dòng Đa Minh, dòng Mân Côi, dòng Thăm Viếng, dòng Mến Thánh Giá, dòng Trinh Vương).

Toàn huyện có 78 xứ họ đạo với khoảng trên 6 vạn giáo dân (khoảng 30% dân số của huyện).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sát, nhắc nhở các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải thật sự chăm lo tốt “phần đời, phần đạo” cho đồng bào Công giáo.

Người đã đề ra một đường lối, chính sách tự do tôn giáo, đoàn kết dân tộc đúng đắn để giải quyết tốt vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam và đã kiến tạo ra mô hình sống đạo mới: “kính Chúa, yêu nước”, để thực hiện tốt mối quan hệ Đạo-Đời, giúp người giáo dân vừa làm tròn nghĩa vụ công dân với Tổ quốc, vừa chu toàn bổn phận của một người tín hữu với Giáo hội của mình.

Ngày nay, đất nước hòa bình, đổi mới, phát triển; phương châm “kính Chúa, yêu nước” của người Công giáo được phát huy theo một tinh thần mới: “tốt đời, đẹp đạo”.

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Công giáo đồng hành cùng dân tộc, quán triệt thực hiện quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các cấp ủy Đảng, chính quyền ở huyện Xuân Trường luôn quan tâm, phát huy vai trò của đồng bào Công giáo trong phát triển kinh tế - xã hội, vận động các chức sắc, giáo dân Công giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Đồng chí Bùi Văn Hảo, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Xuân Trường cho biết: “Cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi nguồn lực (trong đó chú trọng nguồn lực công giáo) cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội; xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh nông thôn ổn định. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh.

Huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2017, là một trong 5 huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định và là một trong 50 huyện đầu tiên của cả nước về đích Nông thôn mới.

Đến nay, 15/20 xã, thị trấn được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận Nông thôn mới nâng cao, 3 xã Xuân Thượng, Xuân Kiên, Xuân Hòa được công nhận Nông thôn mới kiểu mẫu, 101 xóm, khu dân cư đạt Nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu năm 2023, 5 xã còn lại về đích Nông thôn mới nâng cao. Các tầng lớp nhân dân trong huyện phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh”.

Tinh thần “Tốt đời, đẹp đạo” của đồng bào công giáo huyện Xuân Trường ảnh 1

Giáo xứ Xuân Dương (xã Xuân Hòa) tích cực xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với các tầng lớp nhân dân nói chung, đồng bào Công giáo của huyện đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, làm giàu chính đáng, cải thiện và nâng cao đời sống của mình, tích cực làm các việc bác ái, công tác khuyến học, các hoạt động văn hóa xã hội.... các gia đình giáo dân tích cực phát huy truyền thống thâm canh, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đầu tư công sức, giống, vốn vào nuôi trồng đạt năng suất cao, hiệu quả kinh tế rõ rệt, tự cải thiện và nâng cao đời sống gia đình, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Nhiều địa phương có đông giáo dân như Xuân Phương; Xuân Tiến; Xuân Ngọc; Phú Thủy (xã Xuân Hồng); làng Xuân Dục-Xuân Ninh; giáo xứ An Phú-Xuân Đài, giáo xứ Liên Thượng, giáo họ Phú An (xã Xuân Ngọc); giáo họ Trung Lễ (xã Xuân Ngọc), giáo họ Đức Bà (xã Xuân Bắc)... luôn đạt năng suất lúa cao của huyện.

Nhiều gia đình giáo dân, nhiều xứ, họ có cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô từ gia đình đến phân xưởng, công ty ngày càng phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân, tăng nguồn đóng góp cho Nhà nước.

Cụm công nghiệp tại xã Xuân Tiến mà phần đông chủ các doanh nghiệp, công ty, hộ sản xuất hầu hết là các giáo dân xứ Kiên Lao mà điển hình là Doanh nghiệp tư nhân Tân Việt, Công ty TNHH Tân Thiên Phú…. đã đa dạng hóa các mặt hàng sản xuất, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao, thương hiệu sản phẩm có uy tín trong và ngoài nước, đặc biệt là các sản phẩm truyền thống như máy xử lý rác thải, máy tuốt lúa, máy nghiền, máy trộn bê-tông và nhiều loại máy khác phục vụ cho công nghiệp và sản xuất nông nghiệp.

Nhiều sản phẩm được sản xuất theo công nghệ mới, có tính chính xác cao. Công ty cổ phần giầy da-xây dựng Hồng Việt của ông bà Hồng Việt xứ Thánh mẫu xã Thọ Nghiệp phát triển nhiều ngành nghề thu hút hàng trăm lao động với mức lương khá ổn định.

Xưởng may-thêu ren của bà Nguyễn Thị Thu Hương xã Xuân Phương, xưởng thêu ren mỹ nghệ của của ông Đinh Văn Công xứ Phú Nhai, nghề dệt chiếu cói làng Xuân Dục xã Xuân Ninh, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của ông Long họ Bắc Tỉnh xã Xuân Bắc... đã thu hút hàng trăm lao động, chủ yếu là các giáo dân và thu nhập từ 6-18 triệu đồng/người/tháng. Nhiều gia đình giáo dân có xe khách, xe vận tải chạy tuyến Bắc Nam, Hà Nội, Hải Phòng.... đóng, sửa chữa tàu thủy có thu nhập lớn như gia đình ông Sơn, ông Túy, ông Hùng xứ Phú Nhai…

Trong những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài của các giáo xứ, giáo họ được đẩy mạnh. Cốt cán vùng giáo, các Linh mục, Hội đồng giáo xứ, Ban hành giáo các giáo họ luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện hỗ trợ để khuyến khích, động viên con em giáo dân học tập, rèn luyện để đạt được nhiều kết quả thiết thực, ngang tầm với các đơn vị khác trong huyện.

Bà Phan Thị Lượng, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện nói: “Các xứ họ rất quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để con em học hành ở các cấp học. Hầu hết các xứ, họ đều xây dựng chi hội khuyến học, khuyến tài trong đó các ông trùm, ông bà quản đã tích cực tham gia, các Linh mục xứ quan tâm, ủng hộ cả về tinh thần và vật chất.

Chi hội khuyến học giáo xứ Xuân Dục xã Xuân Ninh có số tiền quỹ hàng tỷ đồng, quỹ khuyến học Giáo xứ Liên Thượng xã Xuân Ngọc cũng có hàng trăm triệu đồng. Quỹ khuyến học Giáo xứ Quần Cống và nhiều dòng họ của xã Xuân Phương như họ Đinh, họ Phạm, họ Khổng, họ Trần… thường xuyên hỗ trợ tiền học phí cho các cháu học sinh điều kiện khó khăn, tổ chức phát thưởng, động viên, hỗ trợ các cháu học sinh nghèo vượt khó”.

Hiện nay, trường lớp ở nơi có đông học sinh người công giáo được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang; thiết bị dạy và học được đầu tư đồng bộ, đầy đủ phục vụ tốt cho thầy và và trò các nhà trường. Xã Xuân Ngọc, xã Xuân Tiến có 3 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia, trường xanh - sạch - đẹp.

Các xứ Bùi Chu, Lục Thủy, Phú Nhai, Xuân Dục... hàng năm có hàng trăm cháu đỗ đại học và cao đẳng, đã có nhiều cháu trưởng thành, công tác trong nhiều lĩnh vực của Nhà nước, doanh nghiệp…

Công tác khuyến học, khuyến tài gắn liền với việc nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chăm lo bảo đảm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, cây bóng mát tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; thực hiện nếp sống văn minh trong ăn ở, phòng chống bệnh tật. Xã Xuân Ngọc có hơn 92% dân số là giáo dân Công giáo.

Tinh thần “Tốt đời, đẹp đạo” của đồng bào công giáo huyện Xuân Trường ảnh 2

Tuần lễ Phục sinh 2023 tại Đền thánh Kiên Lao, xã Xuân Tiến.

Đồng chí Đỗ Anh Vương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Ngọc cho biết: “Đến nay hầu hết đường làng, dong xóm của xã được trải nhựa, đổ bê-tông, có hệ thống điện chiếu sáng. Hầu hết gia đình giáo dân đều có nhà xây kiên cố, sử dụng nước sạch. Các hoạt động văn hóa, thể thao cũng được đẩy mạnh và nâng cao. Nhiều hội kèn, hội trống, hội trắc, ca đoàn không những phục vụ nghi lễ trong sinh hoạt giáo hội mà đã tham gia hội thi, hội diễn văn nghệ, các hoạt động trọng thể nhân ngày lễ lớn của dân tộc và những sự kiện quan trọng của tỉnh, huyện. Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc thể hiện lòng kính Chúa, yêu nước, tình cảm lương giáo đã được đánh giá cao tại các cuộc lễ, các cuộc giao lưu văn nghệ tại huyện, tỉnh và toàn quốc tiêu biểu như dòng Mến Thánh giá Trung Linh, Đa Minh Bùi Chu, Mân Côi, Trinh Vương...

Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội cũng có nhiều tiến bộ. Các giáo xứ, giáo họ cắt giảm ăn uống trong đám tang, đám cưới và loại bỏ hủ tục lạc hậu không cần thiết”.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần, các địa phương nói chung, các giáo xứ, giáo họ trên địa bàn luôn quan tâm triển khai hiệu quả phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Nhiều mô hình bảo đảm an ninh trật tự được các giáo xứ, giáo họ triển khai tích cực, đem lại hiệu quả như: Mô hình “Dòng họ tự quản”, “Xứ họ đạo bình yên, gia đình văn hóa”, “5 quản về an ninh trật tự”, “Tổ xung kích tự quản về an ninh trật tự”; mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật”; mô hình “Khu dân cư không có ma túy”, mô hình xây dựng “Xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; “Giáo xứ, giáo họ không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội”, mô hình “Tâm sáng, hướng thiện”. Tình hình trật tự an ninh ở các xứ, họ đặc biệt là những nơi toàn tòng công giáo khá ổn định, ít trộm cắp, cờ bạc, rượu chè, nghiện hút. Tiêu biểu như xứ Xuân Dục (xã Xuân Ninh), Phú Nhai (xã Xuân Phương), Thủy Nhai (xã Xuân Thủy), Lục Thủy (xã Xuân Hồng), An Phó (xã Xuân Phú), Liên Thượng (xã Xuân Ngọc), họ Trung Lễ (xã Xuân Ngọc), Lẵng Lăng (xã Xuân Đài)… Đặc biệt là giáo xứ Xuân Dục là mô hình điểm trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của huyện và của tỉnh.

Đến nay, hầu hết các giáo xứ, giáo họ đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” và 85% số hộ gia đình công giáo đạt danh hiệu “Gia đình Công giáo gương mẫu”, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Đồng bào Công giáo huyện Xuân Trường cũng đã và đang tích cực tham gia xây dựng chính quyền, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước.

Huyện Xuân Trường có 385 Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là người Công giáo, có 8 chi bộ 100% là đảng viên người Công giáo; có 1 linh mục và 2 giáo dân tham gia Hội đồng nhân dân huyện, 9 chức việc và 84 giáo dân tham gia Hội đồng nhân dân xã, thị trấn; nhiều cán bộ, công chức, viên chức là người công giáo làm việc trong các cơ quan, trường học trên địa bàn huyện; năm 2023 có 81 thanh niên Công giáo trong tổng số 245 thanh niên toàn huyện lên đường nhập ngũ.

Đảng viên là người Công giáo đã phát huy tốt vai trò tiên phong, lãnh đạo công tác vận động quần chúng, vận động giáo dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện tốt các quy định, quy ước, phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Các chức sắc, chức việc và giáo dân tham gia vào hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, với đồng bào Công giáo.

Đại đa số chức sắc, chức việc và đồng bào Công giáo của huyện luôn ý thức xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội; ý thức cao về trách nhiệm công dân, chấp hành nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm của người Công giáo và nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc.

Lúc này, người Công giáo đang trong thời điểm của nghi lễ Phục sinh. Lễ Phục Sinh được xem là một trong những dịp quan trọng nhất trong năm của giáo dân Công giáo với nhiều hy vọng đổi mới, cố gắng chăm chỉ lao động sản xuất, đổi mới tâm hồn, hướng tới an lành, văn minh, hạnh phúc, nhân văn. Tinh thần “tốt đời, đẹp đạo” của giáo dân càng ý nghĩa hơn bao giờ hết vào thời điểm này.

Để người Công giáo huyện Xuân Trường được đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương, đồng chí Bùi Văn Hảo-TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện nhấn mạnh: “Trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo, phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị nuôi trồng. Coi trọng phát triển văn hóa, giáo dục, xây dựng nếp sống văn hóa, phấn đấu xứ họ nào cũng có chi hội khuyến học, khuyến tài. Vận động bà con giáo dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.

Phấn đấu xứ họ bình yên, không trộm cắp, không nghiện hút, không có tệ nạn xã hội, các mâu thuẫn, xích mích cần được hoà giải kịp thời ngay tại thôn xóm với phương châm thấu tình đạt lý. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do Mặt trận Tổ quốc và ngành văn hóa phát động, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng xứ họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”.