Tinh gọn bộ máy sau sáp nhập đơn vị hành chính

Thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, năm 2020 tỉnh Quảng Ngãi sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, công chức các đơn vị vẫn tiếp tục sắp xếp, chuyển dần tài sản đến nơi làm việc mới sau khi hợp nhất huyện Trà Bồng.
Cán bộ, công chức các đơn vị vẫn tiếp tục sắp xếp, chuyển dần tài sản đến nơi làm việc mới sau khi hợp nhất huyện Trà Bồng.

Không chỉ dôi dư tài sản, cơ sở vật chất là trụ sở cơ quan, đơn vị, mà huyện Trà Bồng còn có số cán bộ, công chức, viên chức cần được cơ cấu, sắp xếp rất lớn. Tổng số cán bộ, viên chức cấp huyện là hơn 1.300 người; cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 227 người. Phần lớn cán bộ, công chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh được phân công, tuổi đời còn trẻ; trong khi đó số người nghỉ hưu đúng tuổi, giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế chưa nhiều, cho nên địa phương gặp khó khăn khi sắp xếp, giải quyết nhân sự dôi dư. Đây cũng là thực trạng, khó khăn chung của nhiều địa phương trong cả nước.

Để giải quyết vấn đề này, huyện Trà Bồng sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức dôi dư gắn với tinh giản biên chế. Sau gần ba năm, 1.245 người tiếp tục được bố trí việc làm ở đơn vị hành chính cấp huyện mới; 108 công chức, người hoạt động không chuyên trách làm việc ở các xã sáp nhập. Tổng số cán bộ, viên chức tinh giản là gần 290 người.

Thực tế ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi cũng như nhiều địa phương cho thấy, để giải quyết vấn đề cơ sở vật chất, tài sản của các cơ quan, đơn vị hậu sáp nhập đã khó, thì nỗi lo sắp xếp nhân lực, củng cố đội ngũ cán bộ còn nặng gánh hơn. Sắp xếp đơn vị hành chính là cơ hội để các địa phương đánh giá lại đội ngũ của mình, củng cố nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn, năng lực theo hướng tinh, gọn bộ máy thực thi công vụ. Tuy nhiên, nếu sáp nhập cơ học thì sẽ không hiệu quả.

Ở không ít địa phương, công tác sắp xếp nhân sự bước đầu cũng chỉ dừng ở việc xem xét, bố trí lại con người, vị trí làm việc, chứ chưa chú trọng củng cố bộ máy tổ chức, tiết giảm mạnh nhân lực theo hướng tinh gọn.

Để bộ máy hành chính hoạt động hiệu lực hiệu quả sau sáp nhập, các địa phương bên cạnh việc tập trung đầu tư trụ sở, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ hành chính công còn cần chiến lược, chính sách đầu tư nguồn nhân lực sau khi sáp nhập hành chính. Cùng với tinh giản biên chế cũng cần đầu tư đúng tầm cho cán bộ trong hệ thống làm việc.

Trong đó, bồi dưỡng, đào tạo tư duy điều hành xử lý công việc khoa học; trang bị kỹ năng, ứng dụng công nghệ cho cán bộ công chức, viên chức. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả đội ngũ cán bộ công chức cần có những chính sách khuyến khích, động viên sự tận tâm, liêm chính trong thực thi công vụ. Bộ máy thực thi công vụ sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cần tinh gọn, tinh nhuệ hơn, tinh thần phục vụ tận tụy và cống hiến của cán bộ, viên chức nhiều hơn.

Giai đoạn 2023-2030, cả nước sẽ có 33 huyện, 1.300 xã sáp nhập đơn vị hành chính. Hiệu quả của sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là cắt giảm cơ học số lượng cơ quan, đơn vị hay giảm bao nhiêu biên chế, mà còn là hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, chất lượng dịch vụ mà người dân được thụ hưởng và sự phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.

Do đó, cơ cấu, củng cố bộ máy chính quyền cần đặt cán bộ, viên chức là trọng tâm cho mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính để phục vụ đất nước, nhân dân. Từ đó, nâng cao năng lực cán bộ, viên chức cùng các chính sách khuyến khích, động viên để đội ngũ cán bộ tận tụy, cống hiến hơn nữa.