Hoàn thiện chính sách, pháp luật cho việc sắp xếp đơn vị hành chính

Tại phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc đối với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm hành chính công tỉnh Hưng Yên phục vụ nhân dân và các đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm hành chính công tỉnh Hưng Yên phục vụ nhân dân và các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Đây là một chủ trương lớn nhằm hướng đến mục tiêu tổ chức hợp lý đơn vị hành chính, phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước. Hiệu quả của sắp xếp không chỉ đơn thuần là đo lường việc cắt giảm được bao nhiêu đơn vị hành chính, tinh giản được bao nhiêu biên chế mà điều quan trọng nhất là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền, chất lượng các dịch vụ công mà người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng và sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên các địa bàn được sắp xếp.

Thực tiễn sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 cho thấy, những vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện phần lớn có nguyên nhân từ chính sách và quy định của pháp luật còn chưa phù hợp thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình thực hiện ở các địa phương. Theo Bộ Nội vụ, nhiều bộ, ngành ở Trung ương chưa kịp thời nắm bắt, cập nhật thông tin về việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, dẫn đến khi tham mưu hoặc ban hành chính sách chưa tính đến nội dung này để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các hướng dẫn liên quan; UBND cấp tỉnh cũng chưa chủ động, kịp thời rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp để Trung ương có cái nhìn tổng thể.

So với giai đoạn 2019-2021, việc sắp xếp giai đoạn 2023-2030 đặt ra không ít thách thức do số lượng thuộc diện bắt buộc sắp xếp lớn hơn nhiều, các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp cần đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn nhằm bảo đảm chất lượng, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Chính phủ, sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực, quyết tâm cao của chính quyền địa phương các cấp trong triển khai thực hiện thì mới hoàn thành được mục tiêu đã đề ra.

Chính phủ cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan đến việc tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại trong việc sắp xếp giai đoạn 2019-2021 và hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2030, trong đó có việc khẩn trương chuẩn bị và kịp thời ban hành mới các văn bản hướng dẫn được giao trong Nghị quyết để làm cơ sở cho các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện.

Rút kinh nghiệm từ việc sắp xếp giai đoạn 2019-2021, Chính phủ cần quán triệt đến các địa phương ngay từ bây giờ cần rà soát, có phương án để chủ động trong việc bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, không để thiếu hụt đội ngũ. Hơn nữa, để bảo đảm tiến độ sắp xếp phù hợp yêu cầu về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và chuẩn bị nhân sự của các cơ quan nhà nước ở địa phương cho nhiệm kỳ 2026-2031, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành, địa phương, trong quá trình hướng dẫn, tham gia ý kiến, thẩm định các hồ sơ, đề án sắp xếp cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ, rút ngắn thời gian xem xét, giải quyết để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 trong năm 2024.

Bộ Nội vụ cần hướng dẫn cụ thể về thời hạn, lộ trình thực hiện việc sắp xếp bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp thực tiễn. Theo đó, đối với các địa phương có số lượng đơn vị hành chính cần sắp xếp ít thì tập trung hoàn thành sớm việc lập đề án và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; địa phương nào nhiều, phức tạp có thể chia thành các đợt cho phù hợp, tránh việc cùng dồn vào một thời điểm, gây áp lực lớn cho các địa phương và cho công tác thẩm định, thẩm tra cũng như việc xem xét, quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong các giai đoạn sau, cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp xử lý, sắp xếp đối với cả những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số quá lớn, gấp rất nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định nhằm bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước, phù hợp năng lực của bộ máy chính quyền và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.