Hai bệnh của mắt


Bệnh khô mắt

Triệu chứng của bệnh là thường xuyên bị đỏ và khó chịu, luôn có cảm giác rát bỏng. Bệnh thường tái đi tái lại.

Khô mắt là tình trạng xảy ra khi mắt hoặc sản xuất ra quá ít nước mắt hoặc nước mắt thiếu những thành phần bôi trơn và bảo vệ bề mặt của mắt. Nước mắt rất quan trọng, vì đó là một trong những cơ chế phòng vệ tự nhiên của mắt. Nước mắt được tạo ra bởi những tuyến xung quanh mắt, được giải phóng ra lớp ngoài, bảo vệ và nuôi dưỡng bề mặt của mắt.

+ Các nguyên nhân gây khô mắt:

Tuổi: Đây là lý do thường gặp nhất, bởi vì lượng nước mắt và hiệu quả của nước mắt giảm theo tuổi. Vào tuổi 40, chúng ta chỉ có khoảng 1/2 lượng nước mắt so với khi 10 tuổi. Mặc dù khô mắt có thể xảy ra ở cả nam lẫn nữ, bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng phụ nữ, đặc biệt sau mãn kinh, thường bị hơn cả.

Môi trường: Nhiều yếu tố xung quanh bạn cũng có thể dẫn đến khô mắt, chẳng hạn: nhìn chăm chú vào màn hình ti vi hoặc máy vi tính, ở hoặc làm việc trong môi trường có máy điều hòa nhiệt độ hoặc độ nóng bức cao, ô nhiễm không khí hoặc không khí quá khô hay quá ẩm.

Kính tiếp xúc: 20 - 30% người mang kính tiếp xúc bị khô mắt, vì kính tiếp xúc mềm, có tính "ái nước", hay hấp thu dịch của mắt.

Những yếu tố khác: Một số thuốc (dùng cho những bệnh lý khác) có thể gây khô mắt nếu chúng ảnh hưởng đến các tuyến xung quanh mắt. Cũng như vậy một vài bệnh, chẳng hạn như hội chứng Sjogren ở những người bị viêm khớp dạng thấp, cũng có thể gây khô mắt trầm trọng.

+ Các triệu chứng khô mắt: Cảm giác rát bỏng, chảy nước mắt, khô mắt, trầy xước mắt, nhạy cảm ánh sáng, cảm giác có cát bụi, cảm giác có vật gì đó trong mắt.

+ Chất bôi trơn mắt trợ giúp như thế nào? Đây là cách điều trị đầu tiên để giảm khô mắt. Những chất bôi trơn trợ giúp nước mắt tự nhiên và cung cấp lớp thay thế để bảo vệ và nuôi dưỡng bề mặt của mắt. Thuốc mỡ cũng có hiệu quả nhưng chỉ dùng khi ngủ do làm mờ mắt. Thuốc bôi trơn mắt có thể dùng thường xuyên theo nhu cầu hoặc khi được chỉ định.

+ Có chữa được bệnh khô mắt? Trong hầu hết các trường hợp, thí dụ như tuổi già hoặc các bệnh lý liên quan, tình trạng khô mắt sẽ trở thành mãn tính, cần điều trị liên tục theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu khô mắt do môi trường hoặc yếu tố nghề nghiệp (máy vi tính hoặc làm việc ngoài trời), đơn giản là làm giảm hoặc loại trừ nguyên nhân, có thể giúp làm giảm tình trạng khô mắt.

Bệnh chảy nước mắt

- Nước mắt được sản xuất đều đặn bởi tuyến lệ nằm ở dưới mí trên. Nước mắt là yếu tố cần thiết vì chúng hình thành nên một lớp phim nước mắt mỏng bao phủ mặt trước của mắt và ngăn ngừa mắt khỏi bị khô. Bình thường, nước mắt nhanh chóng được dẫn lưu khỏi mắt qua một hệ thống ống phức tạp dẫn từ góc trong của các mí mắt vào trong mũi. Hệ thống ống này được gọi là hệ thống lệ đạo. Bất cứ cảm xúc mạnh nào hoặc kích thích mắt sẽ gây ra sản xuất nước mắt quá mức. Sự tắc nghẽn của hệ thống lệ đạo là nguyên nhân quan trọng của chảy nước mắt nhiều. Điều này thường có xu hướng xây ra ở người lớn tuổi, và nguyên nhân tắc nghẽn thường được xác định là do những thay đổi của ống lệ mũi.

Triệu chứng: mắt hay bị "ướt", đặc biệt khi nhin xuống. Trường hợp nặng, chảy nước mắt có thể thành dòng xuống gò má. Nếu tắc nghẽn không được giải quyết sự ứ đọng nước mắt trong các ống dẫn lệ có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng với chảy dịch mủ nhày.

- Nếu bạn bị nhiễm trùng cấp hệ thống lệ đạo, có thể điều trị bằng kháng sinh. Bước tiếp theo là xác định mức độ và vị trí của tắc nghẽn. Điều này được làm một cách đơn giản tại bệnh viện bằng cách bơm các ống lệ bằng nước muối. Bơm hệ thống này làm giảm triệu chứng thoáng qua, nhưng thường bị tái phát. Phẫu thuật rất cần thiết để điều trị những tắc nghẽn quan trọng của các ống dẫn lệ, hoặc ở người bị nhiễm trùng tái phát hệ thống lệ đạo. Phẫu thuật cần làm là "tiếp khẩu túi lệ mũi" (DCR), trong đó có một kênh mới được tạo ra cho phép nước mắt được dẫn lưu vào mũi trở lại.

Bệnh chảy nước mắt có thể do kích thích của mắt hoặc bệnh của hệ thống dẫn lưu. Điều này cần được xác định bằng cách đến khám ở bác sĩ chuyên khoa mắt, để tiến hành một số thử nghiệm đơn giản nhằm chẩn đoán nguyên nhân chính xác.