Hướng tới miễn dịch cộng đồng lần đầu
Cho đến hiện tại, Việt Nam đang áp dụng cơ chế phân phối vaccine tập trung trên cơ sở ưu tiên một số nhóm đối tượng là những cán bộ, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch và những người, do đặc thù nghề nghiệp hoặc vị trí địa lý, có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Cơ chế này được áp dụng theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ.
Mới đây, theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế, số lượng nhóm đối tượng ưu tiên đã tăng thêm 4 đối tượng và 4 nhóm tỉnh, thành phố, phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Cụ thể, một số đối tượng mới bao gồm người dân trong tỉnh, thành phố đang có dịch, thuộc vùng kinh tế trọng điểm, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, có biên giới, và người lao động tại cơ sở kinh doanh các dịch vụ thiết yếu.
Với lượng cung thực tế được đảm bảo theo cam kết và ước tính có khoảng 11.000 - 12.000 điểm tiêm chủng trên toàn quốc, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự nỗ lực tối đa của toàn hệ thống y tế, thời điểm miễn dịch cộng đồng lần đầu được xác lập ước tính vào khoảng cuối quý I/2022 như đã được đề ra theo Quyết định 3355.
Duy trì miễn dịch cộng đồng có phải bài toán khó?
Hiện tác dụng của vaccine sẽ kéo dài bao lâu sau khi tiêm vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời cuối cùng. Đại diện một số tập đoàn sản xuất vaccine (Pfizer, Johnson&Johnson) đã tuyên bố vaccine phòng Covid-19 có thể sẽ phải tiêm hằng năm, tương tự như vaccine cúm mùa. Nếu đúng như vậy, cung ứng vaccine cho dân cư sẽ là công việc lâu dài và có tính định kỳ để bảo đảm duy trì được miễn dịch cộng đồng trong dài hạn.
Như vậy, những câu hỏi tiếp theo cần trả lời bao gồm: nguy cơ nào làm cho miễn dịch cộng đồng đạt được thông qua tiêm chủng vaccine không thể duy trì trong dài hạn? Muốn duy trì miễn dịch cộng đồng, liệu phương thức phân phối vaccine và các nguồn lực dành cho việc tiêm vaccine như hiện nay đã tối ưu?
Nguy cơ thứ nhất: Vấn đề về kinh phí
Việc phân phối vaccine theo hệ thống trong đó Nhà nước kiểm soát phần lớn khâu phân phối theo từng cấp bậc trong điều kiện nguồn cung còn hạn chế có ưu điểm là giúp tập trung tài nguyên và nguồn lực, đồng thời hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội như gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine,…
Ở chiều ngược lại, nhược điểm rất lớn của phương thức này là đặt gánh nặng khá lớn lên ngân sách quốc gia (hơn 25 nghìn tỷ đồng huy động theo kêu gọi của Chính phủ tương đương 1,5% dự toán chi ngân sách năm 2021), do Nhà nước sẽ phải chủ động nguồn cung, chịu chi phí vận chuyển, bảo quản và tổ chức tiêm chủng từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm quá trình phân phối không xảy ra sai sót hay tiêu cực không đáng có.
Việc kêu gọi đóng góp của người dân như đang triển khai với Quỹ Vaccine phòng Covid-19 không thể là một giải pháp dài hạn, mà chỉ là một biện pháp mang tính khẩn cấp trong bối cảnh ngân sách không thể huy động ngay lập tức một số tiền lớn như vậy.
Như vậy, sau khi Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng lần đầu, để duy trì được trạng thái miễn dịch trong dài hạn, việc tiếp theo cần làm bên cạnh việc đưa vaccine phòng Covid-19 trở thành một phần của chương mình tiêm chủng mở rộng, chính là phải nhanh chóng đa dạng hóa phương thức cung ứng và phân phối thông qua các chương trình tiêm chủng dịch vụ. Khi vaccine phòng Covid-19 được dịch vụ hóa như vaccine phòng thủy đậu, phòng viêm gan A, B, phòng sởi - quai bị - rubella… không chỉ giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn nâng cao được hiệu quả duy trì miễn dịch cộng đồng thông qua khai thác các ưu điểm của kinh tế thị trường. Doanh nghiệp đàm phán, nhập vaccine theo giá thị trường, cá nhân có nhu cầu và đủ điều kiện tài chính sẽ trả tiền để được tiêm vaccine theo nguyện vọng, Nhà nước quản lý khâu cấp phép và hỗ trợ về giá trong trường hợp nguồn cung vaccine vẫn còn khan hiếm hay giá thành vẫn còn quá cao.
Nguy cơ thứ hai: Năng lực đáp ứng của hệ thống y tế trong nước
Mặc dù cả nước hiện có đến hơn 11.000 điểm tiêm chủng rộng khắp, nhưng điều kiện vật chất của các điểm tiêm chủng này có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Trang thiết bị tại nhiều điểm tiêm chủng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản và vận chuyển vaccine.
Cụ thể, chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vaccine ở nhiệt độ âm sâu (-80 đến -70 độ C). Trong hệ thống tiêm chủng dịch vụ, chỉ có duy nhất kho bảo quản vaccine âm sâu của Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) đáp ứng được điều kiện, song các kho lạnh này cũng chỉ có mặt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tủ lạnh chuyên dụng, hệ thống xe lạnh chuyên dụng và các thùng bảo quản trong quá trình vận chuyển vaccine là những trang thiết bị quan trọng cần được chú trọng đầu tư trong giai đoạn tới, đặc biệt thông qua khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trên cơ sở các quy chuẩn do Nhà nước ban hành và giám sát.
Các tính toán liên quan tới thời điểm đạt miễn dịch cộng đồng lần đầu cho thấy, việc duy trì được miễn dịch cộng đồng phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của hệ thống y tế trong nước, cụ thể là khả năng tiêm chủng phủ rộng. Tốc độ tiêm chủng trong giai đoạn này cần đạt mức tối thiểu khoảng 500-600 nghìn liều/ngày nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Để duy trì miễn dịch trong dài hạn, tốc độ này cần được giữ ở mức khoảng 200 nghìn liều/ngày trên 63 tỉnh, thành phố và ở mọi vùng miền. So với năng lực thực tế hiện nay, việc đầu tư nâng cao năng lực cho toàn bộ hệ thống y tế phục vụ tiêm chủng mở rộng là cấp thiết và liên tục.
Nguy cơ thứ ba: Vấn đề “người ăn theo”
Khi Việt Nam đã đạt miễn dịch cộng đồng lần đầu và tiêm vaccine phòng Covid-19 không còn là một nghĩa vụ cấp thiết của mọi người dân, có thể sẽ xảy ra tình trạng số lượng người chủ động và tự nguyện tiêm vaccine hằng năm không đạt mức 70% dân số.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất đa dạng, bao gồm từ lo ngại về tác dụng phụ của vaccine, giá thành vaccine quá cao hay khả năng tiếp cận vaccine thấp (trong trường hợp những người nghèo, dân cư ở những khu vực vùng sâu, vùng xa)… và được thể hiện bằng biện luận “nếu mọi người đã tiêm rồi thì đằng nào mình cũng không cần tiêm nữa…”.
Dù là nguyên nhân nào, nguy cơ không đủ tỷ lệ người dân được tiêm chủng để duy trì miễn dịch cộng đồng là không thể xem nhẹ. Việc đa dạng hóa hình thức phân phối vaccine sẽ góp phần không nhỏ trong bảo đảm duy trì tỷ lệ tiêm tối thiểu. Chương trình tiêm chủng miễn phí, được phân phối rộng khắp đến mọi cơ sở tại địa phương sẽ giúp bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với vaccine như nhau. Mặt khác, loại hình tiêm chủng dịch vụ với các loại vaccine và mức giá đa dạng sẽ mang đến nhiều lựa chọn hơn cho những cá nhân có điều kiện về tài chính.
Các biện pháp tuyên truyền, truyền thông qua nhiều hình thức - như những gì Việt Nam đã làm rất tốt trong thời gian này - cũng là phương thức hiệu quả để hướng tới nâng cao hiểu biết và trách nhiệm của cộng đồng. Bên cạnh đó, hộ chiếu vaccine và một số biện pháp hành chính đơn giản - như việc yêu cầu người dân chưa tiêm vaccine phải có phiếu xét nghiệm âm tính với Covid-19 hay ưu tiên cung cấp dịch vụ công cho những người đã tiêm vaccine - là những biện pháp có thể cân nhắc để áp dụng bổ sung.
Nói tóm lại, duy trì miễn dịch cộng đồng không phải là bài toán dễ dàng trong bối cảnh điều kiện khách quan còn nhiều bất lợi, song, đây cũng không phải là những câu hỏi không có lời giải. Điều Việt Nam cần trong lúc này là sự chủ động và chuẩn bị lâu dài, cả về mặt nhân lực, vật lực và phương thức chiến đấu với dịch bệnh.