Cả nước vì thành phố Hồ Chí Minh, không để hệ thống y tế "đứt gãy"

Thực hiện giãn cách xã hội (GCXH) theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh sẽ tận dụng thời gian này để triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm kiểm soát dịch Covid-19. Thành phố đã xây dựng nhiều kế hoạch phù hợp diễn biến dịch bệnh, tăng cường lực lượng y tế, trang thiết bị để sẵn sàng bước vào "trận đánh" quyết định lần này…

Các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh TTXVN
Các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh TTXVN

Trong 10 ngày gần đây, trung bình mỗi ngày TP Hồ Chí Minh phát hiện từ 500 đến 600 trường hợp nhiễm mới. Số ca bệnh trong cộng đồng tăng hằng ngày, nhất là các trường hợp có triệu chứng đi khám tại các cơ sở y tế. Ðiều này cho thấy, tác nhân gây bệnh đã có ở khắp thành phố. Do vậy, cần tận dụng thời gian GCXH theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày sắp tới với các giải pháp, chiến lược phù hợp, quyết liệt hơn để kiểm soát dịch bệnh.

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, hoạt động xét nghiệm, điều tra truy vết đã được tổ chức lại và tăng cường nhân sự phụ trách điều tra, truy vết tại các quận, huyện, TP Thủ Ðức. Ngành y tế sẽ thực hiện điều tra nhanh các mốc dịch tễ của F0; nhanh chóng lập danh sách, truy vết các F1, chuyển cách ly tập trung F1 thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh và mẫu đơn RT-PCR. Xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ cho kết quả trong vòng 30 phút, từ đó sẽ có những quyết định can thiệp nhanh không cần chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR như trước đây. Ðối với khu vực phong tỏa, khu vực đánh giá có khả năng lây nhiễm cao liên quan bệnh nhân, xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ được triển khai bên cạnh xét nghiệm RT-PCR giúp khoanh vùng những trường hợp nghi nhiễm một cách nhanh chóng, hạn chế tiếp tục lây nhiễm cho những người chung quanh.

Thành phố sẽ tiến hành xét nghiệm tầm soát có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với năng lực xét nghiệm để lập bản đồ dịch tễ các ổ dịch, phân loại các vùng nguy cơ tại các địa bàn quận, huyện để từ đó lên phương án tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát đúng trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Ưu tiên thời gian trả kết quả của các F1, mẫu trong khu cách ly, khu phong tỏa theo đúng quy định để phục vụ cho công tác khoanh vùng, dập dịch, đánh giá nguy cơ. Hiện, khả năng lấy mẫu của thành phố là 1,3 triệu mẫu/ngày; công suất xét nghiệm là 400.000 mẫu/ngày.

Ðáng chú ý, TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng phương án nâng cao khả năng cách ly và điều trị cho bệnh nhân Covid-19; mở rộng khu cách ly tập trung với năng lực cách ly là 50.000 giường. Ðề xuất cách ly tập trung F1 trong vòng 14 ngày và theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo, đồng thời tiến hành thí điểm cách ly F1 tại nhà theo tiêu chí của Bộ Y tế và điều kiện thực tiễn bảo đảm an toàn, không làm lây lan tiếp tục mầm bệnh ra cộng đồng.

TP Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch điều trị 15.000 ca bệnh, phân tuyến ba cấp điều trị theo mô hình tháp ba tầng: Cấp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; cấp có triệu chứng và cấp điều trị bệnh nhân nặng. Ðể bảo đảm lực lượng y tế cho "trận đánh" quyết định, thành phố đã tiếp nhận và điều phối 500 bác sĩ (có 80 bác sĩ chuyên về hồi sức) và 1.500 điều dưỡng (có 240 điều dưỡng chuyên về hồi sức), kỹ thuật viên từ các bệnh viện trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn để hỗ trợ công tác điều trị. Căn cứ tình hình dịch bệnh, nguồn nhân lực cần thiết cho kế hoạch điều trị, điều tra, truy vết, xét nghiệm, ngành y tế thành phố tính toán đề xuất sự hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh, thành phố khác.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế chi viện cho TP Hồ Chí Minh đồng thời bố trí thay đổi nhân lực với các biện pháp luân chuyển, "đảo quân" để bảo đảm sức khỏe cho đội ngũ y tế tại TP Hồ Chí Minh. Hiện, hơn 3.300 cán bộ, nhân viên y tế các đơn vị thuộc Bộ Y tế, sinh viên các trường y dược thuộc Bộ Y tế đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh.

Mạnh Hảo