Những ATM gạo và những cửa hàng 0 đồng - Tình người trong đại dịch

NDO -

Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đang trở thành tâm điểm của dịch Covid-19. Thế nhưng trong khó khăn chồng chất đó, nhiều nghĩa cử, hành động đẹp đã liên tục được nhân lên, lan tỏa truyền thống đoàn kết, đùm bọc lấy nhau để cùng vượt qua và chiến thắng đại dịch này.

Người dân lấy gạo từ ATM gạo miễn phí đặt tại quận 7.
Người dân lấy gạo từ ATM gạo miễn phí đặt tại quận 7.

Nở rộ các ATM gạo

Làn sóng dịch lần thứ 4 đang diễn biến hết sức phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh. Đại dịch đang làm thay đổi nhiều lĩnh vực đời sống của người dân, công nhân. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, thành phố Hồ Chí Minh có 1.365 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc.

Ngoài ra, với việc thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ, nhiều đối tượng là người bán vé số, lao động tự do, nhân viên phục vụ,… cũng đã mất luôn nguồn thu nhập kiếm sống hàng ngày.  

Khó khăn chồng chất khó khăn, tuy nhiên, trong thực tế đó, vô vàn tấm lòng, mạnh thường quân đã kịp thời thực hiện những nghĩa cử khiến biết bao người dân nghèo thấy ấm lòng, xúc động.

Từ ngày thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách (31-5), các cây ATM gạo do anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHGLock (quận Tân Phú) lại tiếp tục “mọc lại” ở nhiều địa phương, nhất là các khu vực bị cách ly, người dân nghèo sinh sống.

Anh Hoàng Tuấn Anh chính là “cha đẻ” của chiếc ATM gạo đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước khi thành phố thực hiện đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19 vào tháng 4-2020.

Sau hành động đó, anh Tuấn và các cộng sự đã nhận được sự chung tay của hàng trăm người dân, mạnh thường quân khi đóng góp kinh phí, gạo để chung sức cùng anh giúp hàng nghìn người dân vượt qua sự có khó khăn do dịch bệnh hoành hành.

Các cây ATM gạo sau đó cũng được các địa phương tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước lắp đặt để giúp người dân nghèo vượt khó trong đại dịch.  

Anh Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Phát huy những kết quả đạt được trong những lần trước, lần giãn cách này, chúng tôi tiếp tục cải tiến để đưa cây ATM gạo về phục vụ bà con trong lúc khó khăn”.

Đúng như lời anh Tuấn nói, tại quận 7, quận 4, quận 1, quận 12, Gò Vấp, nhiều cây ATM gạo đã ra đời để tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng người dân nghèo.

Tình người bên những cửa hàng 0 đồng 

Dịch khó càng không thể bỏ nhau -0
Người dân trong khu vực cách ly nhận các nhu yếu phẩm từ gian hàng 0 đồng tại phường Tân Thành, quận Tân Phú. 

Từ ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội tới nay, các gian hàng 0 đồng tại hẻm 710 Lũy Bán Bích và tuyến đường 30/4 phường Tân Thành, quận Tân Phú luôn bày sẵn các loại thực phẩm, rau củ quả thiết yếu để người dân trong khu vực cách ly đến nhận.

Chị Huỳnh Thị Hiếu Nhu, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Tân Thành cho hay: Với hai điểm thực hiện cách ly, bà con gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm các nhu yếu phẩm hàng ngày nên Mặt trận và các đoàn thể đã vận động Giáo xứ Tân Phú, các tiểu thương Chợ Tân Phú 1 và một số đơn vị, cơ sở khác trên địa bàn tổ chức gian hàng ngày để phục vụ bà con.

Tại địa phương này, các mạnh thường quân còn tặng cơm chay miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn vào các buổi trưa và chiều các ngày trong tuần từ thứ 2 đến chủ nhật.

Chúng tôi gọi vui rằng, các cửa hàng, siêu thị mọc lên liên tiếp trong hai tuần qua đều là các gian hàng… không phép. Bởi cứ chỗ nào khó là cửa hàng lại mọc lên mà chẳng cần xin phép cơ quan chức năng.

Nhiều khu vực cách ly được thành phố công bố thì chỉ vài hôm, một cửa hàng đồng với đủ các loại nhu yếu phẩm lại “mọc” lên để phục vụ người dân.

Các sản phẩm bày tại đây chủ yếu là gạo, đường, mắm, muối thiết yếu hàng ngày để người dân yên tâm thực hiện cách ly.

Các mặt hàng đó đều là từ các tấm lòng, mạnh thường quân khắp nơi gom góp gửi đến. Người ít góp vài kg gạo, bó rau, người nhiều tài trợ suất ăn cho nhiều người, gạo tính bằng tấn…

Hay như nhóm từ thiện “tự phát” của chị Trương Hải (ngụ phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức) đã hoạt động nhóm của mình được hơn hai năm (từ tháng 3-2020). Bằng nguồn vận động, chị Hải và các bạn mình đã quyên góp được các nhu yếu phẩm cần thiết như: xà bông, dầu gội, những đồ ăn nhẹ như mỳ gói, cà- phê, trà, và bánh kẹo… phục vụ liên tục với giá 0 đồng/sản phẩm cho người dân ở các khu vực cách ly.

Dịch khó càng không thể bỏ nhau -0
Đoàn viên, thanh niên đi chợ giúp người dân khó khăn trong mùa dịch tại thành phố Thủ Đức. 

Tại thành phố Thủ Đức, bên cạnh duy trì siêu thị 0 đồng, các cơ quan đoàn thể còn huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên triển khai mô hình đi chợ giúp các hộ dân nghèo, hạn chế trong việc đi lại để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh: Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, có nhiều câu chuyện, hình ảnh xúc động, chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt Nam.

Bên cạnh sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị là sự hy sinh thầm lặng, nỗ lực quên mình của lực lượng y bác sĩ, quân đội, công an, dân quân tự vệ và nhiều lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Tuy gặp nhiều khó khăn trong đời sống, công việc nhưng người dân thành phố, cả nước đã đoàn kết, cùng quyết tâm chiến thắng đại dịch. Điều này đã được thế giới ca ngợi và khâm phục về một Việt Nam vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.