Mở lại đường bay quốc tế, hành khách sẽ có nhiều cơ hội về Việt Nam

NDO -

Mở lại đường bay quốc tế là thể hiện quyết tâm của chúng ta trong việc chống dịch, đồng thời bảo đảm phát triển kinh tế, duy trì cuộc sống bình thường của người dân. Cần có những quyết định kịp thời, đúng đắn và có tổng kết đánh giá để chúng ta làm tốt hơn cho việc "mở cửa" cũng như bảo đảm ưu tiên phòng, chống dịch. 

Khi có nhiều chuyến bay hơn, hành khách có nhiều lựa chọn phù hợp các kế hoạch của mình. (Ảnh minh họa: Cục Hàng không Việt Nam)
Khi có nhiều chuyến bay hơn, hành khách có nhiều lựa chọn phù hợp các kế hoạch của mình. (Ảnh minh họa: Cục Hàng không Việt Nam)

Đây là chia sẻ của ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam tại buổi tọa đàm Giải đáp "nóng" mở lại đường bay quốc tế do báo Dân trí tổ chức, ngày 16/12.

Mở cửa từng bước, tránh cú sốc về dịch bệnh

Đánh giá tác động của việc mở lại đường bay quốc tế đối với việc phục hồi tinh tế - xã hội trong tình hình mới, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam nhận định, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã trải qua một giai đoạn dịch bệnh rất lớn và kéo dài, tất cả các hoạt động xã hội đều bị đảo lộn, các đường bay nội địa và quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng đặc biệt là các đường bay quốc tế do việc đóng cửa biên giới để phòng, chống dịch bệnh của các quốc gia có liên quan. Do đó, kế hoạch mở lại đường bay để đưa khách từ bên ngoài nhập cảnh Việt Nam là một bước tiến cực kỳ quan trọng, khẳng định tâm thế chống dịch và kết quả chống dịch của chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Ông Võ Huy Cường cho rằng, tình trạng bình thường mới hiện nay khác hẳn tình trạng bình thường mới mà Việt Nam xây dựng từ ngày 22/4/2020. Chúng ta đã có sự chuyển biến rất lớn về nhận thức đối với dịch bệnh, về quan điểm phòng, chống dịch bệnh và đặc biệt là hành động đối với phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Đây là điều cực kỳ quan trọng và việc mở lại đường bay quốc tế chính là biểu hiện quyết tâm của chúng ta trong việc chống dịch và bảo đảm phát triển kinh tế, duy trì cuộc sống bình thường của người dân.

“Chúng ta cũng phải thấy rằng là không thể để một cú sốc về dịch bệnh ảnh hưởng đến tâm lý của chung toàn xã hội nên việc mở lại các chuyến bay quốc tế chở khách đến Việt Nam cũng phải làm từng bước. Cần phải có những quyết định kịp thời, đúng đắn và có tổng kết, đánh giá để chúng ta làm tốt hơn cho việc mở cửa cũng như là bảo đảm ưu tiên phòng, chống dịch”, ông Võ Huy Cường nhấn mạnh.

Cũng theo Cục phó Hàng không Việt Nam, 9 thị trường ban đầu Việt Nam lựa chọn mở lại đường bay dựa trên cơ sở có những tương đồng về kết quả phòng, chống dịch với Việt Nam và có áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch và các yêu cầu về phòng chống dịch đối với những người nhập cảnh Việt Nam.

"Để từ đó, chúng ta hoàn toàn yên tâm rằng, việc mở cửa của chúng ta là mở cửa thành công và lâu dài, bền vững, không để cho dịch bệnh lây lan và đồng thời cũng là kinh nghiệm để mở tiếp các thị trường cho giai đoạn thứ hai cho đến khi chúng ta mở lại hoàn toàn bình thường. Đây là điều rất quan trọng", ông Võ Huy Cường nói.

Những thị trường khác có liên quan biến chủng mới của SARS-CoV-2 (biến thể Omicron) nên cần phải sàng lọc để có thể từng bước đưa khách vào theo yêu cầu về đầu tư hay các quan hệ ngoại giao, chính trị.

Do đó, trước mắt giai đoạn đầu mở 9 thị trường, gồm: Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan-Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ);

Giai đoạn sau là 15 thị trường, với thêm 6 thị trường mới là: Kuala Lumpur (Malaysia), Hồng Kông (Trung Quốc), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Australia), Moskva (Nga).

“Sau nữa là chúng ta sẽ bình thường hóa và khoảng cách giữa các giai đoạn sẽ rất ngắn”, ông Võ Huy Cường cho biết.

Để việc mở cửa các đường bay quốc tế bền vững, đạt mục tiêu như mong muốn, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển - Vietnam Airlines, đề xuất một số giải pháp, như: bỏ các quy định liên quan xét duyệt cho từng hành khách hay từng chuyến bay một như hiện nay. Hành khách có visa, hộ chiếu hợp lệ là có thể nhập cảnh. Các quy định liên quan bảo đảm y tế phòng, chống dịch cần được chi tiết, đơn giản, dễ hiểu cho tất cả mọi người tiếp cận được thông tin dễ dàng.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quang Trung, để phục hồi hiệu quả nhanh chóng thì công tác truyền thông cũng vô cùng quan trọng, phải làm thật tốt, đặc biệt là quảng bá về một Việt Nam an toàn, hấp dẫn là rất quan trọng.

Hành khách sẽ có nhiều cơ hội về Việt Nam

Tại cuộc tọa đàm, có ý kiến độc giả cho rằng, trước đây việc khôi phục đường bay nội địa đã "vấp" phải vấn đề về nguyên tắc y tế đối với nhóm hành khách là gia đình có trẻ nhỏ nhưng chưa tiêm vaccine. Với bay quốc tế, yêu cầu tiêm vaccine càng ngặt nghèo hơn, nếu áp dụng nguyên tắc khách chưa tiêm vaccine không được đi máy bay thì sẽ rất hạn chế nhóm khách gia đình di chuyển.

Về giải pháp tháo gỡ vấn đề này, ông Võ Huy Cường cho biết, chúng ta đã có những điều chỉnh nhất định. Thực tế, trên thế giới có một số quốc gia không tổ chức tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi nên vấn đề này cũng đặt ra và chúng ta đã có phương án, quan điểm mới.

Chúng ta vẫn tạo điều kiện cho những nhóm khách gia đình như vậy về nước hay nhập cảnh Việt Nam. Đối với công dân Việt Nam sẽ theo dõi sức khỏe tại nhà với những người đã tiêm 2 mũi vaccine còn đối với trẻ em dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine theo dõi sức khỏe ở nhà và sẽ tiêm vaccine do y tế địa phương thực hiện sau khi nhập cảnh.

“Những điều chỉnh này xuất phát từ kinh nghiệm chúng ta có được trong quá trình mở cửa trở lại các chuyến bay thường lệ nội địa trong giai đoạn vừa qua. Việc này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam về nước thậm chí cả người nước ngoài có thân nhân Việt Nam hoặc đến Việt Nam đầu tư hay làm các nhiệm vụ ngoại giao mang theo gia đình thì cũng được hưởng những quy định mới như vậy”, ông Võ Huy Cường khẳng định.

Một vấn đề khác cũng được quan tâm là nhiều hành khách phản ánh mua vé máy bay "giải cứu" hay bay combo rất đắt, công tác xét duyệt cũng phức tạp đã gây thêm những khó khăn cho việc hồi hương.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trung cho biết, chủ trương của Chính phủ cho phép khai thác thường lệ các chuyến bay quốc tế từ 1/1/2022 sẽ cho phép các hãng hàng không giảm chi phí rất lớn.

Thứ nhất, các hãng hàng không có thể chủ động xây dựng lịch bay và có thể mở bán 2 chiều chở khách.

Thứ hai, chi phí phục vụ cho các chuyến bay không thường lệ, nhất là ở các đầu sân bay nước ngoài, thường giá phục vụ cao hơn so khai thác các chuyến bay thường lệ. Do đó, khi triển khai các chuyến bay thường lệ vào ngày 1/1/2022 thì chi phí của các hãng hàng không sẽ được giảm bớt, đặc biệt chi phí cho mỗi một ghế mở bán cho mỗi hành khách, đây sẽ là cơ sở để các hãng hàng không điều chỉnh các mức giá vé thấp xuống cho hành khách đi lại.

Thứ ba, việc miễn cách ly cho khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 cũng sẽ giúp hành khách giảm được phần chi phí rất là lớn là chi phí cách ly tập trung.

“Với việc giảm được những chi phí như vậy cho hành khách thì tôi tin rằng hành khách sẽ có nhiều cơ hội để về Việt Nam và đặc biệt là trong giai đoạn Tết Nguyên đán sắp tới. Khi có nhiều chuyến bay hơn thì hành khách có nhiều lựa chọn phù hợp các kế hoạch của mình”, ông Nguyễn Quang Trung nói.

Cũng trong chiều 16/12, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh. Trong đó, quy định đối với những người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.

Cụ thể, ngoài yêu cầu chung đối với người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh trong 72 giờ, trừ trường hợp trẻ em đưới 2 tuổi, thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh; kể từ 1/1/2022, người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú; không tiếp xúc với người chung quanh hoặc ra khỏi nơi lưu trú trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh.

Người nhập cảnh chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7.

Những người thuộc 2 trường hợp này nếu có kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục được theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày; trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính thì được xử lý theo quy định.