Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động - việc làm: Giá đỡ vững chắc

Trong suốt gần hai năm qua, khi nền kinh tế phải đối mặt với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện vai trò và sự ưu việt của mình, như là giá đỡ vững chắc của hệ thống an sinh, bảo vệ người lao động trước sự giảm sút về thu nhập do đóng cửa nền kinh tế. 

Lao động làm việc trong ngành thủy sản (Ảnh minh họa)
Lao động làm việc trong ngành thủy sản (Ảnh minh họa)

Khi đại dịch được kiểm soát trong thời gian tới, bảo hiểm thất nghiệp kết hợp đồng bộ với hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động - việc làm sẽ đóng vai trò kết nối giữa cung và cầu lao động một cách hiệu quả. Từ đó, biến khó khăn thành cơ hội phân bổ lại việc làm và liên thông giữa các thị trường lao động, củng cố nền móng phát triển để giúp nền kinh tế nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng.

Ý nghĩa của chính sách

Trên thế giới, bảo hiểm thất nghiệp là một loại hình an sinh xã hội có bề dày lịch sử phát triển. Bảo hiểm thất nghiệp được áp dụng đầu tiên ở Anh năm 1911, là một nội dung trong Luật Bảo hiểm quốc gia (National Insurance Act 1911) và chính thức có luật điều chỉnh riêng vào năm 1920 (Unemployment Insurance Act 1920). Năm 1935, Hoa Kỳ đã áp dụng bảo hiểm thất nghiệp trên phạm vi toàn quốc với Đạo luật An sinh xã hội (Social Security Act 1935).

Bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu thực sự trở thành công cụ chính sách phổ biến trên thế giới từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai cùng với quan điểm về nhà nước phúc lợi. Hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp đã phát triển thành một hệ thống hoàn chỉnh, áp dụng ở hầu hết các nước phát triển. Và theo thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển áp dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Về nội hàm, bảo hiểm thất nghiệp được hiểu là một loại hình bảo hiểm được thực thi bởi cơ quan chính phủ có thẩm quyền nhằm cung cấp các hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp.

Các đặc trưng của chính sách bảo hiểm thất nghiệp gồm những điểm nổi bật.

Một là, bảo hiểm thất nghiệp quy định cụ thể về đối tượng và điều kiện thụ hưởng, trong trường hợp này là người lao động bị rơi vào trạng thái thất nghiệp và có tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước khi gặp rủi ro thất nghiệp. Như vậy, nếu trước khi thất nghiệp, người lao động không tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ không được hưởng trợ cấp khi mất việc làm. Điều kiện để được hưởng trợ cấp cũng phụ thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Hai là, bảo hiểm thất nghiệp vận hành trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro, nghĩa là người lao động được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm thất nghiệp khi thất nghiệp, tuy nhiên không nhất thiết người lao động sẽ gặp phải rủi ro này trong suốt quá trình tham gia bảo hiểm.

Ba là, các khoản chi trả của bảo hiểm thất nghiệp có thời hạn và nhằm mục tiêu khắc phục rủi ro, do vậy các khoản chi trả này không bắt buộc phải được chuyển trực tiếp cho người lao động, mà có thể cho các bên thứ ba như các trung tâm dịch vụ việc làm hay các cơ sở đào tạo nghề.

Bốn là, nguồn quỹ của bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu được hình thành từ sự đóng góp của người tham gia bảo hiểm và chính phủ chỉ đóng vai trò bảo đảm thực hiện.

Những đặc trưng nêu trên khiến bảo hiểm thất nghiệp mặc dù thuộc nhóm chính sách an sinh xã hội nhưng có sự khác biệt về bản chất với bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm thất nghiệp là một hình thức chia sẻ rủi ro giữa những người lao động và có tính chất thời điểm, chỉ phát huy tác dụng nếu người lao động rơi vào trạng thái thất nghiệp.

Mặt khác, bảo hiểm thất nghiệp thông qua mối liên hệ và tương tác chặt chẽ với thị trường lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động, giữ vững động lực và tạo điều kiện để người lao động nâng cao năng lực, tìm được một công việc tốt, phù hợp với khả năng trong thời gian ngắn nhất, từ đó giảm thiểu tổng hưởng từ bảo hiểm thất nghiệp.

Vì những cơ chế, đặc điểm trên, bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách an sinh xã hội có tác động tích cực nhất đến thị trường lao động và nền kinh tế.

Cụ thể, bảo hiểm thất nghiệp tác động tích cực đến tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình thông qua khả năng hỗ trợ một phần thu nhập bị mất khi thất nghiệp. Tác động này đặc biệt hữu ích trong giai đoạn khủng hoảng khi nhân sự bị cắt giảm ngoài mong muốn của doanh nghiệp và người dân. Tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng có tác động hỗ trợ người lao động tìm việc và rút ngắn thời gian thất nghiệp, nhờ khả năng tiếp cận kho dữ liệu việc làm và dịch vụ tư vấn giới thiệu việc làm khi đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Mặt khác, do điều kiện hưởng thường yêu cầu người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ trên 12 tháng, bảo hiểm thất nghiệp có tác dụng khuyến khích người lao động ưu tiên lựa chọn các công việc có tính ổn định, bền vững để đủ điều kiện hưởng quyền lợi của mình.

Hơn thế nữa khi nền kinh tế gặp khó khăn, thí dụ như trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, bảo hiểm thất nghiệp còn giúp tiết kiệm ngân sách và chi tiêu của chính phủ.

Khi không có bảo hiểm thất nghiệp, gánh nặng tìm kiếm việc làm và giảm đói nghèo không chỉ thuộc về người lao động thất nghiệp mà còn là trách nhiệm của Nhà nước thông qua nguồn lực tài chính công. Trong trường hợp này, quỹ bảo hiểm thất nghiệp với nguyên tắc chia sẻ rủi ro sẽ chịu trách nhiệm phân bổ nguồn lực tài chính do người lao động đóng góp để hỗ trợ người lao động chịu rủi ro thất nghiệp

Chính sách cần thiết ở Việt Nam

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động - việc làm: Giá đỡ vững chắc -0
Làm thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội, chụp trước thời điểm 27/4/2021 (Ảnh: Đăng Khoa).

Ở Việt Nam, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn là một chính sách khá mới mẻ với lịch sử chỉ hơn 10 năm phát triển. Năm 2006, khi vấn đề về việc làm trong nền kinh tế được quan tâm đặc biệt như là hệ quả của quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11, bao gồm chính sách về bảo hiểm thất nghiệp - chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.

Bảo hiểm thất nghiệp thường bị hiểu nhầm với trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là một trong các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp.

Năm 2015, trên cơ sở kế thừa và phát triển chính sách bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2006 và kinh nghiệm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại các nước trên thế giới, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Việc làm (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015). Trong đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, cải tiến quy trình tổ chức thực hiện.

Điều này nhằm kỳ vọng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ hỗ trợ về kinh tế cho người lao động thất nghiệp mà còn giúp người lao động sớm tìm được việc làm, duy trì việc làm đã có để hạn chế “tái” thất nghiệp trong tương lai.

Từ đó đến nay, bảo hiểm thất nghiệp chính thức được duy trì và phát triển với bốn chế độ, bao gồm ba chế độ như trước đây là: (1) trợ cấp thất nghiệp, (2) hỗ trợ tìm việc làm, (3) hỗ trợ học nghề, và chế độ mới là (4) hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Về cơ chế vận hành của chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay, Cục Việc làm - đơn vị trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp - đang đồng hành cùng hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm của 63 tỉnh, thành phố để triển khai các hoạt động chuyên môn về bảo hiểm thất nghiệp.

Đó là: tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin thị trường lao động; đào tạo kỹ năng, dạy nghề theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức này duy trì sự kết nối và phối hợp chặt chẽ của bảo hiểm thất nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, bảo đảm sự phát huy đầy đủ vai trò và hiệu quả của bảo hiểm thất nghiệp đối với thị trường lao động nói riêng và phát triển nguồn nhân lực nói chung.

Với những đặc điểm, vai trò quan trọng và cơ chế vận hành hiệu quả như trên, sau hơn 10 năm thực hiện, nhất là sau khi được thực hiện theo Luật Việc làm, bảo hiểm thất nghiệp đã đạt được các kết quả đáng khích lệ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Qua 8 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 511 nghìn hồ sơ được tiếp nhận và chi trả. Trong đó, hơn 500 nghìn người được hưởng trợ cấp thất nghiệp và hơn 11 nghìn người được hỗ trợ học nghề.

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng dần hằng năm, từ mức chỉ 5,9 triệu người năm 2009 lên hơn 13 triệu người tính đến tháng 7/2021, chiếm khoảng 26% lực lượng lao động trong độ tuổi. Người thất nghiệp đến trung tâm dịch vụ việc làm đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hàng triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng trăm nghìn người được hỗ trợ học nghề.

Trong thời điểm đại dịch Covid-19 tác động đến thị trường lao động, các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp cũng đã phát huy rất tốt vai trò “giá đỡ” của mình. Số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và số hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đều tăng mạnh trong hai năm dịch bệnh.

Thông qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp cũng kịp thời trợ giúp người lao động bảo đảm cuộc sống; đóng vai trò “hấp thụ sốc tự động” cho nền kinh tế; giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước khi không phải cấp kinh phí hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Tuân thủ những quy định kiểm soát dịch bệnh cần hạn chế tập trung đông người, các trung tâm đã nhanh chóng triển khai dịch vụ bằng hình thức trực tuyến và từ xa, bảo đảm khả năng tiếp cận quyền lợi từ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Trên cơ sở đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Đây là sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, và chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã là một công cụ hữu hiệu để truyền tải sự quan tâm, chia sẻ đó.

Để các kết quả tích cực nêu trên được tiếp tục phát huy và duy trì, để bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục đóng vai trò vừa là giá đỡ vững chắc, vừa là nền móng phát triển cho thị trường lao động, cho nền kinh tế nói chung trong giai đoạn tới, việc liên tục xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ với cung - cầu lao động, với cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp và hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm toàn quốc, bảo đảm mở rộng diện bao phủ là điều hết sức cần thiết và cần được đặc biệt chú trọng.

Lao động và việc làm