Liên hợp quốc, EU, nhiều nước quan ngại về tình hình an ninh ở Ukraine

NDO -

Ngày 24/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa quân trở lại Nga sau khi quân đội Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine.

Lực lượng phòng vệ quốc gia Ukraine tuần tra tại quảng trường thủ đô Kiev. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lực lượng phòng vệ quốc gia Ukraine tuần tra tại quảng trường thủ đô Kiev. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) sau phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh thế giới đang trên đà thoát khỏi dịch Covid-19, nhiều nước phát triển cần có không gian để phục hồi, điều này sẽ trở nên khó khăn khi giá dầu tăng cao, việc ngừng xuất khẩu lúa mì từ Ukraine, lãi suất tăng mạnh do bất ổn tại các thị trường quốc tế. Do đó, ông kêu gọi Tổng thống Putin ngừng chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Trong động thái tương tự, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Nga ngay lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Dự kiến các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về tăng cường trừng phạt nhằm vào Nga tại một phiên họp khẩn cấp cùng ngày. Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định sẽ phối hợp với các đồng minh để nỗ lực chấm dứt xung đột.

Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào 25 cá nhân, 4 thực thể tham gia phát triển và bán các vũ khí quân sự, cũng như các biện pháp hạn chế đối với 4 thể chế tài chính của Nga.

Trước diễn biến mới gây căng thẳng liên quan đến an ninh của Ukraine, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã điện đàm với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jen Stoltenberg để thảo luận về các phản ứng phối hợp của liên minh về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Các quan chức cũng thảo luận về những bước đi tiếp theo nhằm đảm bảo an ninh cho sườn phía đông của NATO. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh cam kết của Washington đối với nguyên tắc phòng thủ tập thể theo Điều 5 của NATO là không thể thay đổi.

Một quan chức của NATO cho biết các đại sứ của liên minh này sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn trong ngày 24/2.

Trong khi đó, hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin cho biết Hội đồng an ninh quốc gia Nhật Bản đang triệu tập một cuộc họp khẩn về vấn đề Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine.

Tại Hàn Quốc, trong phiên họp của Hội đồng An ninh quốc gia ngày 24/2, các quan chức hàng đầu của Hàn Quốc tuyên bố đang theo dõi tình hình tại Ukraine, nhất trí sẽ nỗ lực hết sức để bảo đảm an toàn cho công dân và doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu vực.

Cùng ngày, phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tình hình ở Ukraine kiềm chế. Do lo ngại vấn đề an ninh, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine đã khuyến cáo các công dân Trung Quốc đang sinh sống tại Ukraine ở trong nhà.

Trong thông báo, Đại sứ quán Trung Quốc cảnh báo tình hình ở Ukraine đang diễn biến nghiêm trọng và rủi ro an ninh gia tăng nhanh chóng.

Trong khi đó, Indonesia đã bày tỏ lo ngại về sự leo thang của xung đột vũ trang trên lãnh thổ Ukraine, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan ưu tiên ngoại giao và đối thoại trong việc giải quyết các vấn đề. Ông cũng khẳng định Đại sứ quán Indonesia tại Kiev đã nỗ lực hết sức để bảo đảm an toàn cho các công dân Indonesia đang cư trú tại Ukraine.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Ngoại giao nước này đã ra tuyên bố sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết và hướng dẫn các công dân có nhu cầu rời khỏi Ukraine. Bộ cũng khuyến cáo các công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở nhà hoặc một nơi an toàn và tránh đi lại.

Trước đó, hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy mọi chuyến bay đến Ukraine trong ngày 24/2. Dự kiến, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triệu tập phiên họp hội đồng an ninh để thảo luận về vấn đề căng thẳng Nga-Ukraine.