Khép lại cuộc chiến sau 20 năm

“Cuộc chiến vĩnh cửu của người Mỹ ở Afghanistan đã khép lại” - Tổng thống Joe Biden tuyên bố trên sóng truyền hình quốc gia, trước thềm tưởng niệm 20 năm ngày nước Mỹ hứng chịu cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng, ngày 11/9/2001. Người đứng đầu Nhà trắng đã thực hiện được lời hứa tranh cử, chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Afghanistan trong cuộc chiến ở nước ngoài dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tổng thống Joe Biden đón những người lĩnh Mỹ cuối cùng trở về từ Afghanistan.Ảnh REUTERS
Tổng thống Joe Biden đón những người lĩnh Mỹ cuối cùng trở về từ Afghanistan.Ảnh REUTERS

Trước vụ khủng bố ngày 11/9 của 20 năm trước, không nhiều người Mỹ hiểu biết về Osama Bin Laden và mạng lưới Al-Qaeda, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) còn chưa nổi lên. Những mất mát và cảnh tượng sụp đổ của hai tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở thành phố New York đã dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong thái độ và mối quan tâm của người Mỹ về sự an toàn và cảnh giác trước những mối đe dọa ngay trên lãnh thổ Mỹ. Trước sức ép từ dư luận sau vụ khủng bố ngày 11/9, Quốc hội Mỹ thông qua loạt chính sách mới, như Đạo luật cho phép sử dụng lực lượng quân lực (AUMF) trao quyền để Tổng thống thực hiện tấn công những mối đe dọa khủng bố, hay Đạo luật Yêu nước (Patriot Act) trao thêm quyền giám sát cho các cơ quan liên bang để ngăn chặn khủng bố, bảo đảm an ninh quốc gia.

Tháng 10/2001, Tổng thống George W. Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, nơi Washington cáo buộc là “dung túng” trùm khủng bố Osama Bin Laden. Tháng 3/2003, Washington mở rộng hiện diện quân sự ở Trung Đông, tấn công tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Iraq, lún sâu vào một cuộc chiến song song với cuộc can dự ở Afghanistan, kéo dài tới 8 năm. Trong 20 năm qua, quân đội Mỹ cũng mở rộng mặt trận chống khủng bố khắp khu vực, đối đầu với nhiều tổ chức, như Hezbollah ở Liban và Palestine, IS ở Syria, Libya và Iraq… Trùm khủng bố Osama Bin Laden cũng đã bị tiêu diệt ở Pakistan vào tháng 5/2011. Song đến nay, cuộc chiến chống khủng bố được Washington kích hoạt trong sự tức giận của người Mỹ sau sự kiện 11/9 vẫn chưa dừng lại.

Theo nhận định của Giám đốc chương trình nghiên cứu về chống khủng bố và tình báo tại Viện chính sách Cận Đông ở Washington, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã thành công từ góc độ chiến thuật trong ngăn chặn các cuộc tấn công và làm gián đoạn mạng lưới khủng bố. Song, từ góc nhìn chiến lược, thành công lại không rõ rệt. So với bối cảnh năm 2001, ngày nay có nhiều người bị “cực đoan hóa” hơn, mối đe dọa khủng bố cũng đa dạng hơn và phân tán trên toàn cầu.

Trải qua 20 năm, cuộc chiến ở Afghanistan đã tiêu tốn của nước Mỹ hàng nghìn tỷ USD và cướp đi hàng nghìn binh sĩ. Trong bài phát biểu hôm 31/8, Tổng thống Biden tuyên bố khép lại kỷ nguyên sa lầy của Washington trong “cuộc chiến không có hồi kết”; tiến hành xoay trục chính sách để tập trung nguồn lực cho những vấn đề nổi cộm hơn với nước Mỹ như củng cố quan hệ đồng minh, ứng phó cạnh tranh chiến lược và thách thức phi truyền thống, hay kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Chống khủng bố vẫn là mục tiêu an ninh quốc tế hàng đầu của nước Mỹ, nhưng Washington không còn ưu tiên sử dụng lực lượng quân sự, mà sẽ giải quyết các mối đe dọa khủng bố trên thế giới thông qua mạng lưới tình báo và sự phối hợp với các đồng minh, các đối tác địa phương ■

Những mất mát từ vụ khủng bố ngày 11/9/2001

* 2.977 - Tổng số người thiệt mạng. Trong đó, 2.753 người chết tại Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở khu Hạ Manhattan (New York) sau khi hai máy bay của Hãng hàng không American Airlines bị cướp đâm vào hai tòa tháp Bắc và Nam của WTC. 184 người chết khi một máy bay khác lao vào Lầu năm góc ở Washington. 40 hành khách, thành viên phi hành đoàn chết, khi dũng cảm chống trả nhóm khủng bố và để máy bay rơi xuống cánh đồng ở bang Pennsylvania. 

* 123 tỷ USD - Thiệt hại kinh tế ước tính tại thời điểm khoảng một tháng sau vụ khủng bố.

* 1,3 tỷ USD - Tổng chi phí dọn dẹp sau vụ khủng bố. Riêng khu vực Ground Zero, chi phí tới 750 triệu USD, với khoảng 3,1 triệu giờ lao động, 1,8 triệu tấn gạch đá, mảnh vỡ và phế liệu.

* 40 tỷ USD và 15 tỷ USD - Giá trị của các gói tài chính được Quốc hội thông qua để chống khủng bố và hỗ trợ các hãng hàng không.

* 8.000 tỷ USD - Số tiền Mỹ chi cho cuộc chiến chống khủng bố trong 20 năm qua, theo khảo sát của dự án Chi phí chiến tranh, Đại học Brown (Mỹ) công bố ngày 1/9/2021.
(Nguồn: reuters.com, iags.org, brown.edu)