Ứng phó tác động xấu từ nền kinh tế toàn cầu

Xung đột Nga-Ukraine gây nhiều tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu. Chỉ số giá tiêu dùng của các mặt hàng thiết yếu gia tăng nhanh chóng, các chuỗi cung ứng hàng hóa bị xáo trộn. Là nước có độ mở kinh tế cao và hội nhập sâu, Việt Nam cũng phải chịu hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này. 

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. (Ảnh HUY HOÀNG)
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. (Ảnh HUY HOÀNG)

Liên bang Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại truyền thống quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á-Âu. Theo thống kê, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD, tăng 13,8% so năm 2020; trong đó, xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD (tăng 13,2%) và nhập khẩu đạt 2,3 tỷ USD (tăng 14,9%); kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ukraine đạt 720,5 triệu USD (tăng 50,6%), trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 344,6 triệu USD (tăng 21%), nhập khẩu từ Ukraine đạt 375,8 triệu USD (tăng 94,2%). Bộ Công thương đánh giá, nếu xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại giữa Việt Nam và hai nước nêu trên.

Ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp

Có độ mở lớn cả về nguyên liệu nhập khẩu lẫn thị trường đầu ra xuất khẩu, mỗi năm ngành gỗ Việt Nam phải nhập khẩu từ 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn phục vụ cho sản xuất. Trong đó, dù kim ngạch từ Nga chỉ chiếm 2% tổng lượng nhập khẩu, nhưng đã tăng đến 200% trong năm 2021, cho thấy, nguồn hàng này ngày càng quan trọng đối với ngành gỗ. Mặt khác, theo chuyên gia Tô Xuân Phúc của tổ chức Forest Trends (tổ chức hoạt động phi lợi nhuận nhằm tăng cường đóng góp từ rừng và quản lý rừng bền vững), Nga hiện là nhà cung gỗ nguyên liệu lớn tương đương 10% tổng lượng cung toàn cầu. Việc 120 tổ chức môi trường trên thế giới kêu gọi các chính phủ cấm nhập khẩu gỗ từ Nga, cộng thêm các hoạt động thanh toán quốc tế và logistics bị ngăn chặn sẽ khiến nguồn cung 40 triệu tấn gỗ nguyên liệu quy tròn từ Nga bị đứt gãy, tác động mạnh đến bức tranh cung-cầu gỗ thế giới, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia nhập khẩu cũng như đẩy giá gỗ nguyên liệu lên cao.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu Võ Quang Hà cho biết, từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, giá gỗ nguyên liệu từ châu Âu đã tăng gấp rưỡi và còn tiếp tục tăng. Không những vậy, châu Âu còn hạn chế dần gỗ xuất khẩu nhằm bù đắp lượng thiếu hụt từ Nga, khiến nguồn cung gỗ càng thêm khan hiếm. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodsland Vũ Hải Bằng nhận định, cuộc xung đột không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp mà còn khiến tương lai trở nên bất định. Đến nay, hàng trăm công ty, tập đoàn lớn của thế giới đã tuyên bố ngừng hoạt động tại thị trường Nga. Chỉ mình IKEA (Tập đoàn sản xuất đồ nội thất của Thụy Điển) đóng cửa 17 cửa hàng lớn tại Nga cũng khiến doanh nghiệp Việt có thể mất đi khoản xuất khẩu trị giá hai triệu USD.

Nga có vai trò quan trọng trong cung cấp xăng dầu và khí đốt cho thế giới. Do đó, xung đột và các lệnh trừng phạt đã khiến giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng vọt. Theo Bộ Tài chính, dù giá dầu thế giới có dấu hiệu chững lại trong vài ngày gần đây, nhưng do căng thẳng địa chính trị vẫn biến động nhanh và khó lường, các bên tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt, cho nên phần lớn các tổ chức trên thế giới đều nhận định giá dầu có thể còn tăng trong giai đoạn tới. Giá dầu tăng cao đã tác động làm tăng chỉ số giá của nhiều mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp logistics.

Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Nguyễn Duy Minh cho biết, giá xăng dầu tăng cao gây ảnh hưởng lớn cho ngành vận tải hoạt động trong hệ thống logistics, bởi phí xăng dầu chiếm hơn 30% trong tổng chi phí cấu thành của logistics hiện nay. Các doanh nghiệp không cách nào khác buộc phải tăng giá dịch vụ và khách hàng dù không muốn cũng phải chấp nhận theo cơ chế thị trường. Cuối cùng, giá hàng hóa sẽ bị đẩy cao và người tiêu dùng bị thiệt hại. Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, nửa đầu tháng 3 đã có 16 đơn vị vận tải gửi hồ sơ xin tăng giá cước, trong đó có 14 hãng xe ta-xi tăng giá cước từ 5-15% tùy loại xe và hai doanh nghiệp xe khách tăng 50-60 nghìn đồng mỗi vé. Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, chưa vượt qua tác động nặng nề từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vận tải đã cạn kiệt nguồn lực, phải đi vay để duy trì hoạt động, nay cộng thêm giá xăng dầu tăng cao khiến ngày càng lỗ. Hầu hết doanh nghiệp vận tải đang phải tính toán lại chi phí sản xuất, giá thành để duy trì hoạt động.

Dù phần nào hưởng lợi từ việc giá dầu tăng, tuy nhiên theo các chuyên gia, khi giá dầu tăng đột biến cũng đem lại không ít rủi ro cho ngành dầu khí trong nước. Trước tiên, thị trường giá dầu biến động mạnh, khó dự báo, dẫn tới chi phí sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành sản phẩm cũng tăng và ảnh hưởng tới tiêu thụ. Mặt khác, ngành năng lượng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thiết bị của Nga cho nên sẽ gặp phải những khó khăn, rào cản trong tương lai nếu chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế; việc phát triển mỏ và khoan thăm dò tại một số mỏ dầu có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đánh giá, tác động từ xung đột giữa Nga-Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đang làm gia tăng áp lực lạm phát, đẩy nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu lên cao. Vòng xoáy giá vì thế càng khó dự đoán.

Tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vận tải nói riêng đủ sức chống chọi với các tác động tiêu cực hiện nay, ông Bùi Danh Liên kiến nghị, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm các loại thuế, giảm lãi suất ngân hàng hay cho phép doanh nghiệp tiếp tục giãn, hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ để cầm cự trong lúc khó khăn. Với ngành gỗ, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập cho rằng, việc chủ động về nguồn nguyên liệu trong nước đóng vai trò quan trọng, giúp giảm các bất ổn từ nguồn cung gỗ nhập khẩu. Làm được điều này đòi hỏi nỗ lực chung của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ trồng rừng. Chính phủ có thể đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn cũng như thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng. Ngoài ra, Việt Nam cần có chiến lược phát triển nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng, bao gồm việc đa dạng hóa các loại gỗ rừng trồng trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng trong chế biến.

Nhận định “trong nguy vẫn có cơ”, theo ông Vũ Hải Bằng, trong bối cảnh nhà sản xuất nội thất châu Âu đang thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để nhanh chóng bù đắp vào phần thiếu hụt này và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ khi sử dụng gỗ nhập khẩu từ Nga vì đang bị Mỹ và châu Âu cấm vận. Tương tự, Nga và Ukraine hiện đang cung cấp hơn 30% sản lượng cho thị trường lúa mì thế giới. Xung đột giữa hai nước và các biện pháp cấm vận đã làm giá lúa mì tăng khoảng 50% trong tháng qua cũng như đẩy giá nhiều loại ngũ cốc và nông phẩm khác. Theo các chuyên gia, nếu tình hình xung đột tiếp tục kéo dài, lượng cung lúa mì cho thị trường thế giới dự đoán sẽ sụt giảm lớn, là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu gạo và các loại nông phẩm, lương thực sang thị trường EU, nơi mỗi năm nhập khẩu khoảng 160 tỷ USD lương thực.

Trước các tác động khó lường từ xung đột Nga-Ukraine, Bộ Công thương đã có văn bản khuyến nghị các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài như áp dụng phương thức thanh toán an toàn hơn, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn ngân hàng thanh toán trước khi giao kết hợp đồng. Các đơn vị trong Bộ cũng được chỉ đạo theo dõi sát tình hình thị trường thế giới, tiến hành rà soát tình hình xuất, nhập khẩu, các dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp với Liên bang Nga để kịp thời đánh giá tác động, dự báo tình hình, đề xuất các biện pháp, chính sách, giải pháp phù hợp để giảm bất lợi kinh tế, thương mại đối với Việt Nam, tham mưu lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ.

Mục tiêu tổng thể là phải ổn định sản xuất, xuất khẩu và thị trường trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế sau đại dịch, đồng thời hỗ trợ tối đa doanh nghiệp có hoạt động hợp tác kinh doanh với Nga và Ukraine. Toàn bộ hệ thống Thương vụ tại các nước châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động xuất, nhập khẩu với Nga và Ukraine tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu.

Đối với các doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu với thị trường Nga và Ukraine, Bộ Công thương khuyến nghị cần chủ động làm việc với các đối tác nhập khẩu về thanh toán, tiến độ giao hàng,… để tránh rủi ro, bảo đảm quyền lợi, đặc biệt tránh thanh toán qua các ngân hàng bị trừng phạt. Các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường, đồng thời cần hết sức lưu ý trong công tác xuất, nhập khẩu để tránh việc vô tình vướng vào lệnh trừng phạt.