Năm 2021, các địa phương vùng ĐBSCL xuống giống khoảng 3,9 triệu héc-ta lúa, năng suất đạt 62,26 tạ/ha, tăng 2,17 tạ/ha, sản lượng 24,3 triệu tấn, tăng 510 nghìn tấn so với năm 2020.
Giá thành sản xuất tăng cao
Cục Trồng trọt cho biết, vụ hè thu 2021 các địa phương vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu héc-ta lúa, năng suất khoảng 56,5 tạ/ha với sản lượng hơn 8,5 triệu tấn, tăng 74 nghìn tấn so với vụ hè thu trước. Tuy nhiên, đây cũng là vụ hè thu có giá thành sản xuất tăng khá cao so với những vụ hè thu từ năm 2018 đến 2020. Qua tạm tính, vụ hè thu 2021, giá thành sản xuất trung bình khoảng 3.713 đồng/kg, tăng 222 đồng so với vụ hè thu 2020. Với sản lượng toàn vụ hơn 8,5 triệu tấn, tổng chi phí sản xuất đã tăng thêm gần 1.900 tỷ đồng so với vụ hè thu trước.
Theo cơ quan chức năng các địa phương vùng ĐBSCL, một số yếu tố ảnh hưởng đến chi phí giá thành sản xuất lúa vụ hè thu 2021 như: chi phí về giống chiếm tỷ lệ khoảng 9 đến 10% trong tổng chi phí sản xuất; chi phí làm đất chiếm tỷ lệ 5 đến 6%; chi phí thuốc bảo vệ thực vật chiếm tỷ lệ 15 đến 17%. Phân bón là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng năng suất và chất lượng lúa nên được người nông dân ưu tiên cho khoản đầu tư này cao hơn trong quá trình canh tác. Vì vậy vụ này, phân bón chiếm tỷ lệ 21 đến 24% trong tổng chi phí sản xuất.
Ngoài ra, chi phí thu hoạch, vận chuyển và bao bì chiếm tỷ lệ 10 đến 12%. Đây là nhóm chi phí chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng chi phí vật chất đầu tư. Đáng chú ý, chi phí thuê công lao động chiếm tỷ lệ 28 đến 30% trong tổng chi phí. Nguyên nhân là do hiện nay nguồn nhân công lao động khan hiếm vì đại dịch Covid-19, nên giá thuê cao. Bù lại trong vụ hè thu 2021, phần lớn nông dân lấy nước tưới tiêu từ dòng chảy tự nhiên để sản xuất lúa. Thời kỳ đầu vụ có thể xuống giống sớm nên cần lấy nước khi chưa có mưa và ở trà muộn bị thiếu nước canh tác nên phải bơm trong quá trình canh tác, vì vậy chi phí tưới tiêu chỉ chiếm 2% đến 3%; năng suất tăng hay giảm ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất lúa nên chiếm chi phí từ 4% đến 7%.
Theo gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn, ấp Tầm Đuông, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường (Long An) đang canh tác 4,5 ha lúa vụ đông xuân 2021 - 2022, họ đang đau đầu trong việc tìm cách bảo đảm lợi nhuận, bởi giá phân bón các loại đã tăng hơn 100% so với đầu vụ lúa hè thu 2021. Cụ thể, giá Urê đã tăng từ 6.700 đồng/kg lên hơn 17.000 đồng/kg, DAP từ 8.500 đồng/kg lên mức hơn 20.000 đồng/kg, NPK 16-16-8 từ 8.860 đồng/kg lên hơn 18.000 đồng/kg…
Ông Đoàn chia sẻ: "Theo tính toán với giá phân bón như hiện nay, nông dân chúng tôi phải bán 4 kg lúa mới được 1 kg phân. Nếu như vụ hè thu 2021, gia đình tôi đầu tư phân bón khoảng 5 triệu đồng/ha thì vụ đông xuân này cần tới 10 triệu đồng. Với giá phân bón như hiện nay thì vụ lúa đông xuân khó mà có lãi". Tính ra, bình quân 1 ha trồng lúa, nông dân cần bón khoảng 500 kg phân bón các loại. Với giá phân tăng cao như hiện nay thì chi phí phân bón sẽ chiếm 1/3 giá thành sản xuất lúa.
Mở rộng diện tích sản xuất theo hướng "3 giảm, 3 tăng"
Vụ đông xuân 2021 - 2022, vùng ĐBSCL có kế hoạch gieo sạ hơn 1,5 triệu ha, phấn đấu năng suất 72,52 tạ/ha, sản lượng 11 triệu tấn. Để bảo đảm sản xuất hiệu quả trong vụ này, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương lập kế hoạch sản xuất và cung ứng giống theo từng vụ, từng năm và có sự kiểm soát của các cơ quan chuyên môn; tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm khắc phục việc phát tán các giống lúa chưa được phép sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân bón phân hợp lý cho cây lúa; tính toán giá thành sản xuất/kg lúa để đánh giá tỷ lệ chi phí sử dụng phân bón trong giá thành sản xuất thực hiện các biện pháp giảm chi phí từ sử dụng phân bón.
Phó Cục trưởng Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết: Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 ở khu vực ĐBSCL đang đứng trước các thách thức lớn khi giá phân bón tăng cao. Việc giá phân tăng ngay đầu vụ đông xuân (vụ sản xuất chính ở ĐBSCL) đang khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Giá phân bón tăng hơn 100% nên nếu nông dân giảm 10% lượng phân, giảm lượng giống… thì cũng chỉ giảm được một đến hai trăm đồng cho một kg lúa, vì thế khó bù được lợi nhuận cho người trồng lúa. Để vượt qua khó khăn, nông dân nên cân nhắc về mức độ đầu tư phân bón cho vụ này để thu về được lợi nhuận. Bên cạnh đó, các địa phương cũng nên cân nhắc về chỉ tiêu, sản lượng trong vụ đông xuân 2021 - 2022. Bởi nếu theo đuổi "chỉ tiêu và sản lượng" thì càng trồng lúa, càng đầu tư, nông dân càng phải tăng chi phí sản xuất.
Tại Long An, vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, tỉnh có kế hoạch xuống giống khoảng 233.000 ha. Đến nay, đã có gần 50% diện tích đã được nông dân xuống giống. Trước tình hình giá phân bón tăng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tỉnh Long An đã làm việc với các công ty sản xuất phân bón trên địa bàn và đề nghị doanh nghiệp tìm giải pháp bình ổn giá.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Võ Văn Phu, cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản xuất "ba tại chỗ" gặp khó khăn khiến giá thành sản xuất tăng theo. Hiện tại, công ty đang tập trung phục hồi sản xuất để cố gắng kiểm soát, kéo giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành cho khách hàng trong tình hình giá các loại phân bón tăng rất cao cả trong nước và trên thế giới.
Để tiết kiệm chi phí, ngành nông nghiệp các địa phương cần khuyến cáo nông dân nên áp dụng triệt để các biện pháp "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" trong sản xuất lúa. Đẩy mạnh thực hiện giảm giống lúa gieo sạ theo hướng sử dụng từ 80 đến 100 kg lúa giống/ha. Thực tế đã chứng minh, khi giảm lượng giống gieo sạ sẽ tăng quang hợp cho cây lúa, giảm sâu bệnh sẽ giúp tiết kiệm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, lượng phân bón và tăng năng suất. Mặt khác, ngành cũng khuyến cáo nhân dân đẩy mạnh sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm giảm lượng giống lúa; sử dụng các loại phân đơn, phân hữu cơ. Chú trọng áp dụng công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất giúp giảm chi phí canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả canh tác…