Huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

NDO -

Thời gian tới, công tác thể chế, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nghiệp nông thôn là hết sức nặng nề; đòi hỏi đánh giá đúng tình hình, đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, có tính khả thi.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Chiều 26/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Nhằm phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và nhiều ý kiến tại hội thảo đã thống nhất kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm sửa đổi Luật Đất đai và ban hành chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất để tạo điều kiện tích tụ và tập trung ruộng đất phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn.

Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cho quy hoạch và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Ngoài ra, cần sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 và ban hành chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, tổ hợp tác, Liên hiệp hợp tác xã chuyên ngành sản xuất sản phẩm nông sản quy mô lớn, phát triển bền vững,…

Theo đánh giá của Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề lớn, có tính chiến lược và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Sau hơn 35 năm đổi mới, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn. Góp phần vào thành tựu đó, có phần đóng góp quan trọng từ kết quả thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26, nông nghiệp đã phát triển vượt bậc, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, khu vực này vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

“Để phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục hạn chế, biến thách thức thành thời cơ, trong thời gian tới, công tác thể chế, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nghiệp nông thôn là hết sức nặng nề; đòi hỏi đánh giá đúng tình hình, đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, có tính khả thi. Chính vì vậy, rất cần sự tham gia tâm huyết, trách nhiệm của các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học ở các lĩnh vực, nhất là việc thực hiện các chủ trương huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn” - ông Nguyễn Duy Hưng nêu rõ.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26 cũng khẳng định: Trong các thời kỳ phát triển của đất nước, nhất là thực tiễn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, cũng như tái cơ cấu nền kinh tế những năm tới, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế-xã hội. Mới đây, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đều nêu rõ các yêu cầu và mục tiêu mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài ra, tập trung phát triển đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn công nghiệp chế biến nông sản, theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững với tỷ lệ giá trị nông sản đạt hơn 30%, tăng tỷ trọng kinh tế số trong nông nghiệp đạt tối thiểu 10%... “Để đạt được mục tiêu và yêu cầu này, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và cấp thiết” - TS Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.

Nhìn nhận thực tế các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh đã bước đầu hình thành, nhưng Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng, việc phát triển chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số đang gặp nhiều bất cập, tồn tại và khó khăn. Nhiều địa phương chưa xác định sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, có tình trạng sản xuất theo phong trào. Các bộ, ngành và địa phương đã có quy hoạch sản phẩm nông sản nhưng chưa có quy hoạch cụ thể phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh…