Đừng xem tàu vỏ thép là “miếng bánh”!

Bài 2: Rút ruột tàu cá vỏ thép, sao mà dễ!

NDO -

NDĐT - Những chiếc tàu cá vỏ thép ở Bình Định được đóng theo Nghị định 67/CP, về lý thuyết là được đóng mới 100%, bảo đảm hoạt động từ 15-20 năm. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng hoạt động, tàu do hai Công ty Nam Triệu (Bộ Công an), Đại Nguyên Dương đóng đã lộ ra nhiều bất cập, khiếm khuyết. Lúc này người ta hỏi nhau, tại sao lại dễ dàng nghiệm thu, trả tiền những con tàu có chất lượng thấp đến vậy?

Tàu phải nằm bờ sửa chữa hằng tháng, thiệt hại này ai tính cho ngư dân?
Tàu phải nằm bờ sửa chữa hằng tháng, thiệt hại này ai tính cho ngư dân?

Bài 1: Tàu vừa đóng xong đã hỏng

Chủ tàu chỉ có trách nhiệm… trả tiền?

Sau khi phát hiện những chiếc tàu vỏ sắt đóng mới theo Nghị định 67/CP bị hư hỏng liên tục và nhanh chóng xuống cấp, những chủ tàu đã ngồi lại với nhau, để rồi nhận ra chính họ - những chủ đầu tư - đã bị những người làm công qua mặt ngoạn mục.

Ông Nguyễn Văn Mạnh nói: “Tôi chọn mẫu tàu Việt - Hàn trong số 21 mẫu tàu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu. Khi họ đóng, tôi thấy phần hông chưa phù hợp với nghề lưới vây nên yêu cầu họ sửa, nhưng họ không đồng ý. Họ kêu tôi được góp ý phần trên boong, còn phần thân tàu phải đóng theo thiết kế. Thấy vậy, tôi cũng không nói thêm được gì”.

Ông Lê Văn Thải, chủ tàu Lê Gia nói: “Có lần, Nhà máy Nam Triệu (Bộ Công an) mời bầy tui ra nghiệm thu máy chính. Đi tàu gần một ngày một đêm, rồi đi xe xuống Hải Phòng. Đến nơi, họ chỉ vào cái máy vỏ còn mới thì biết đó là máy, chứ sao biết được bên trong như thế nào? Cũng vì không biết mới hay cũ nên khi về sử dụng, chỉ ít bữa là máy hư lên hư xuống. Máy chính hư, máy điện cũng hư. Hợp đồng, biên bản nghiệm thu thể hiện máy có năm số, nhưng sử dụng chỉ được ba; máy đồng bộ do hãng Mitsubishi sản xuất, nhưng chỉ được cái vỏ máy có chữ đó, còn hộp số thì của hãng khác. Giờ mình hỏi, người ta lại đổ thừa do ngư dân không biết sử dụng”.

Có điều nực cười nữa là, trong khi Nghị định Chính phủ ghi rõ hỗ trợ tiền thiết kế cho ngư dân thì cả hai công ty này đều thu tiền thiết kế tàu mỗi chiếc khoảng 150 triệu đồng. Do không có thông tin, trình độ cũng hạn chế nên như chủ tàu Trần Minh Vương kể: “Nhà máy nói sao bầy tui biết vậy. Tàu đóng xong đã có Trung tâm Đăng kiểm tàu cá xem giúp. Họ nói tàu bảo đảm để hoạt động thì chúng tôi trả tiền, đâu ngờ xí nghiệp thay đổi chủng loại thép, máy tàu cũng không bảo đảm nên mới hư lên hư xuống như thế này”.

Không thể xuê xoa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, phần lớn số tàu do Công ty Nam Triệu (Bộ Công an) và Đại Nguyên Dương đóng đều gặp sự cố ở phần vỏ và máy, tuy nhiên mức độ, tính chất có khác nhau. Nếu phần vỏ tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng sai quy cách, chủng loại thép thì phần máy chính, máy phát điện do Công ty Nam Triệu (Bộ Công an) lắp đặt lại bị hư hỏng nhiều hơn. Điều này khiến người dân lo lắng, vì mua máy cũ trên thị trường vẫn không bị hư hỏng nhiều như vậy. Cạnh đó phần thân tàu cũng chưa phù hợp nghề lưới vây, hầm lạnh… không phát huy được tác dụng, làm ảnh hưởng đến quá trình đánh bắt, bảo quản của ngư dân.

Bài 2: Rút ruột tàu cá vỏ thép, sao mà dễ! ảnh 1

Boong tàu, hầm cá tàu Đại Nguyên Dương gỉ sét trông như con tàu già đã hoạt động vài năm trên biển.

Qua đối thoại, cả hai công ty đều nhận trách nhiệm và hứa sẽ sửa chữa cho dân trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định chiều qua, phía Công ty Đại Nguyên Dương vẫn cố tình lờ đi việc tự ý thay đổi chủng loại, nguồn gốc thép đóng vỏ tàu. Phía Công ty Nam Triệu (Bộ Công an) còn đòi ngư dân, cùng các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định công bố hồ sơ có tính pháp lý nếu tiến hành kiểm tra để xác định số máy chính đã đóng tàu cho ngư dân là cũ, hay mới(?!)

Theo ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, Bình Định thì như vậy vẫn chưa đủ. Ông Tân đề nghị: “Nhà máy phải có trách nhiệm thu hồi, thay đổi lại những hạng mục, chi tiết lắp đặt không bảo đảm quy cách, xuất xứ, chất lượng. Đồng thời phải có trách nhiệm đền bù cho chủ tàu bởi những ảnh hưởng do việc đóng tàu kém chất lượng gây ra. Nếu không thỏa thuận được, Tỉnh cần lập hội đồng giám định chất lượng, giá trị thực của con tàu, đối chiếu với hồ sơ kỹ thuật có theo hợp đồng để chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, tòa án xử lý theo pháp luật”.

Trước sự việc trên, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã có ý chỉ đạo các công ty khẩn trương sửa tàu cho ngư dân trong thời hạn sớm nhất, đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan thành lập tổ giám sát việc đóng tàu của hai công ty nói trên với ngư dân Bình Định. Nếu phát hiện thêm các hạng mục sai thiết kế, không đúng hợp đồng thì yêu cầu công ty khắc phục.

Việc các công ty đóng tàu cho ra đời những con tàu kém chất lượng, không đúng với hợp đồng đã ký kết đã, đang gây ảnh hưởng xấu đến một chủ trương lớn, của Nhà nước, làm giảm lòng tin của ngư dân. Vì vậy, cần có phương pháp xử lý nghiêm, bởi như trăn trở của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: “Các đơn vị đóng tàu nghĩ thế nào khi tung những con tàu chất lượng kém như thế này ra biển. Trên biển họ có thể gặp bão, bị đâm va, lúc đó máy tàu hỏng, vỏ tàu hỏng thì khoan nói đến việc giữ gì đã - tui chỉ hỏi, với con tàu như vậy, liệu anh em trên tàu có giữ được tính mạng của mình”?

Bộ NN và PTNT chỉ đạo chấn chỉnh cơ sở đóng tàu kém chất lượng

Liên quan đến việc một số xí nghiệp, công ty đóng tàu kém chất lượng, chiều qua, 10-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn yêu cầu các địa phương ven biển tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn việc duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép.

Công văn nêu rõ, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay, có 557 tàu cá đóng mới, trong đó có 188 tàu vỏ thép, 22 tàu composite, 347 tàu vỏ gỗ, 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động. Phần lớn, số tàu này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên đã xuất hiện một số tàu cá vỏ thép không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại cho chủ tàu.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tổng rà soát lại các cơ sở đóng tàu nhằm bảo đảm đủ điều kiện theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm về việc đánh giá và công bố cơ sở đóng tàu đủ điều kiện trên địa bàn.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn ngư dân, chủ tàu trên địa bàn quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật đối với tàu cá, công tác duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép theo quy định.

Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới.

Ngoài ra, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật đối với tàu cá, công tác duy tu, sửa chữa tàu cá tại địa phương theo phân cấp quản lý. Đồng thời, có biện pháp quản lý, giám sát chủ tàu thực hiện nghiêm việc kiểm tra an toàn kỹ thuật đúng thời hạn.

Bài 2: Rút ruột tàu cá vỏ thép, sao mà dễ! ảnh 2

Sản phẩm lỗi của Công ty Nam Triệu (Bộ Công an) và Đại Nguyên Dương đang gây khó khăn cho ngư dân tỉnh Bình Định.