Để tiếng Việt không bị lãng quên ở xứ người

Mong muốn có thật

Năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử ba đoàn công tác đi khảo sát tình hình cũng như nhu cầu dạy và học tiếng Việt của kiều bào đang sinh sống tại Mỹ, Cộng hòa Pháp và Thái Lan. Trên cơ sở đó, Viện Khoa học giáo dục đã chủ trì xây dựng và hoàn thiện hai bộ chương trình khung dạy tiếng Việt cho hai đối tượng: học sinh (HS) tiểu học và THCS đang được học tiếng Việt như một môn học trong hệ thống nhà trường của nước sở tại hoặc trong các lớp học do các hội đoàn Việt kiều tổ chức (chính quy hoặc bán chính quy). Đối tượng khác có nhu cầu học tiếng Việt để giao tiếp, sinh hoạt hoặc buôn bán làm ăn nhưng không có điều kiện học trong nhà trường mà chủ yếu là tự học.

Ông Trần Bá Việt Dũng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Không chỉ ở Hoa Kỳ, Pháp và Thái Lan, nơi có đoàn đến giới thiệu sách và dạy thử, mà ở một số nước khác, khi nghe tin có sách và tài liệu dạy tiếng Việt dành riêng cho người Việt Nam ở nước ngoài, rất nhiều bà con đã đề nghị đại sứ quán Việt Nam tại các nước này cung cấp cho sách và tài liệu. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi khoảng 100 bộ sách qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp cho bà con Việt kiều”.

Cũng theo ông Dũng: Việc biên soạn tài liệu của Đề án là một việc làm không đơn giản bởi Ban Điều hành Đề án phải mời các chuyên gia từ các cơ quan khác nhau trong nước để tổ chức biên soạn hai bộ sách học tiếng Việt cho hai đối tượng khác nhau.

Sau khi ba đoàn đi dạy thử nghiệm về, nhận xét chung đều thấy rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều mong muốn con cháu nói và sử dụng được tiếng mẹ đẻ để qua đó giáo dục về truyền thống, văn hóa người Việt Nam cho các thế hệ người Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Châu - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục cho biết: “Theo khảo sát tại Hoa Kỳ, nơi có hơn 15 triệu người Việt Nam sinh sống, cũng là nơi có tới gần một nửa số Việt kiều định cư. Số người dưới 20 tuổi chiếm 30,1%; từ 20 – 64 tuổi chiếm 64,7%... Khoảng 30% dân số người Việt ở đây đang ở độ tuổi đi học.

Cũng theo ông Châu, việc dạy và học tiếng Việt là nhu cầu bức xúc của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ hiện nay. Người Việt thuộc thế hệ thứ nhất có nhu cầu giao tiếp, xem sách báo, tivi và nghe đài bằng tiếng Việt, tuy nhiên các thế hệ sau đó có xu hướng xa rời tiếng mẹ đẻ, trong đó có nhiều người không nói được tiếng Việt.

Những người đi làm cho các cơ quan của Hoa Kỳ không có điều kiện dùng tiếng Việt, giới trẻ đi học tiếp xúc với văn hóa giáo dục chính thống của Mỹ và hoàn toàn sử dụng tiếng Anh. Nhiều người ý thức được sự phai nhạt của văn hóa Việt và sự lãng quên của ngôn ngữ Việt nhưng chưa tìm được hướng đi. Nhiều gia đình đưa con em đến các lớp học tiếng Việt trong cộng đồng, một số gia đình thì đưa con em về Việt Nam trong các dịp nghỉ hè.

Đoàn khảo sát tại Cộng hòa Pháp dẫn lời ông Lê Kim Chi - Ủy viên Ban thường trực Hội người Việt Nam tại nước này: “Cần giúp tầng lớp trung niên và thanh thiếu niên hiểu rằng thấm nhuần được văn hóa truyền thống, đạo lý Việt Nam là một lợi thế thực tiễn, một ưu thế tinh thần để đi vào cuộc sống tại Pháp”.

Ông Phạm Đán Bình, giảng viên ĐH Paris 7 cũng khẳng định: “Trong xã hội Pháp đa sắc tộc, những người Việt biết nói tiếng Việt, không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc được đánh giá cao hơn, được kính trọng hơn trong con mắt người Pháp”.

Vẫn đang trong giai đoạn mày mò

Tuy nhiên, cũng theo kết quả khảo sát, nhu cầu dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài chủ yếu xuất phát từ phía phụ huynh. Một số nơi tổ chức dạy tiếng Việt nhưng là hoạt động tự phát, chủ yếu là của các tổ chức tôn giáo. Một số nơi dạy tiếng Việt như một dịch vụ cộng đồng để có được tiền của Chính phủ, hoạt động không thường xuyên do nguồn kinh phí không bền vững, tổ chức không bài bản... Chính vì vậy, tính hiệu quả của các chương trình không cao vì giáo viên không có kỹ năng cần thiết, không có điều kiện tiếp cận với văn hóa Việt Nam, không có giáo trình...

Tại Mỹ, hiện có khoảng hơn 200 cơ sở, trung tâm dạy tiếng Việt trong cộng đồng, tập trung nhiều ở các bang đông người Việt sinh sống như California, Texas, Washington... Các trung tâm này chủ yếu dạy cho các em học sinh trong dịp hè và vào các ngày nghỉ cuối tuần. Mỗi trung tâm có từ 100 – 1.000 học sinh. Tại California, sơ bộ có 16.000 học sinh tham dự các khóa đào tạo được tổ chức tại khoảng 86 – 90 trung tâm với quy mô khác nhau. Có khoảng 1.600 giáo viên trong đó có khoảng 1.000 giáo viên hoạt động tình nguyện.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, lý do các tổ chức tôn giáo dạy tiếng Việt có hiệu quả là do nhiều gia đình mải lo làm ăn, kiếm sống nên không có thời gian tụ họp, gia đình rạn vỡ nhiều, do đó nhiều gia đình tìm đến chùa, nhà thờ để được giúp về tinh thần. Nhu cầu tiếng Việt đi theo từ đó. Ban đầu, các em bị bắt buộc phải học tiếng Việt, sau đó khi được tiếp xúc với người Việt, các em thấy tình cảm gia đình khác với môi trường học tập, các em học tiếng Việt vì tình cảm chứ không phải nhận thức thấy cần học.

Về giáo trình, đa phần học liệu do giáo viên tự làm, không có kinh nghiệm, không chuyên nghiệp, không thống nhất. Nhóm nghiên cứu cho rằng: Dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài phải nằm trong chiến lược về văn hóa cho người Việt Nam ở nước ngoài. Cần lập các phòng văn hóa người Việt Nam ở nước ngoài với các dịch vụ: phòng đọc sách, báo cho những ai muốn theo dõi tình hình Việt Nam, các lớp Việt ngữ cho những ai muốn trau dồi tiếng Việt, các buổi trình diễn hoặc hội thảo về văn hóa Việt, giới thiệu các tài năng Việt trong nước và ngoài nước... Đây là một cách thức để giúp người Việt, thế hệ thứ hai và thứ ba trở đi có phương tiện học tiếng Việt, trau dồi văn hóa Việt, từ đó họ sẽ vừa giữ được gốc Việt, vừa là sứ giả giúp cho sự hội nhập của Việt Nam vào thế giới.

Ông Châu còn cho biết: “Mặc dù Chính phủ Hoa Kỳ không cản trở việc dạy tiếng Việt, nhưng luật của Hoa Kỳ là một lớp muốn tồn tại phải ít nhất 20 học sinh. Để làm được điều này, vai trò của phụ huynh rất lớn vì họ có thể gây áp lực với các học khu. Những khu đông người Việt phải đứng ra tranh đấu để dạy tiếng Việt. Tuy vậy, khó có thể vận động bà con đứng ra tranh đấu. Khác với cộng đồng của một số nước châu Á khác, cộng đồng người Việt thường sống rải rác nên để tập trung đông học sinh Việt Nam là rất khó.

Về mặt tâm lý, muốn các em học tiếng Việt thì phải làm các em muốn tìm hiểu về Việt Nam, cho các em thấy được cách sống của người Việt đẹp như thế nào, từ đó mới có tình cảm với người Việt, với đất nước”.

Ông Trần Bá Việt Dũng nhận xét: Việc biên soạn tài liệu dạy tiếng Việt là một việc làm không đơn giản bởi phải mời chuyên gia từ các cơ quan khác nhau trong nước để tổ chức biên soạn. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực của các tác giả, 2 bộ sách đã được biên soạn khá phù hợp và đẹp mắt.

Sau khi tiến hành dạy thử nghiệm ở một số nước, kết quả cho thấy, ngoài việc đón nhận bộ sách, các cơ sở giáo dục tại các nước này còn mong muốn cử giáo viên từ Việt Nam sang hoặc gửi giáo viên về Việt Nam để được bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy các bộ sách này. Đây là những tín hiệu đáng mừng – ông Dũng nói.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long cho biết: “Trong năm 2009 và một số năm tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ hoàn thành bộ sách và tài liệu chính thức: “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”; hoàn thành và đưa vào khai thác thử nghiệm chương trình học tiếng Việt trên đài truyền hình, đài phát thanh, trên mạng; tổ chức 1 – 2 đợt tập huấn giáo viên dạy thử hai bộ chương trình mới; tuyển chọn giáo viên và cử giáo viên đi dạy tiếng Việt tại Lào, Thái Lan và Cam-pu-chia; cung cấp các bộ sách và tài liệu cho các cơ sở giáo dục ở một số nước, tổ chức trại hè cho con em Việt kiều tại Việt Nam...

Thứ trưởng Bành Tiến Long bày tỏ: “Với những nỗ lực và mục tiêu đặt ra khá rõ ràng như vậy, chúng tôi mong muốn rằng tiếng Việt, ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta sẽ không bị lãng quên ở nước ngoài”.