Bầu không khí cuộc đối thoại không báo trước giữa hai phái đoàn Chính phủ Afghanistan và Taliban, diễn ra hôm 7/7 tại Tehran, được Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif mô tả là “thân mật và thực chất”, tất cả các vấn đề được đề cập một cách chi tiết và rõ ràng.
Quan trọng hơn cả, hai bên đều khẳng định “chiến tranh không phải là giải pháp”, đồng thời nhất trí tiếp tục bàn cơ chế cụ thể, tiến tới hòa bình lâu dài tại Afghanistan. Iran cho rằng, cam kết thực hiện các giải pháp chính trị là lựa chọn tốt nhất với các nhà lãnh đạo và phong trào chính trị tại Afghanistan. Trong vai trò trung gian, Iran sẵn sàng hỗ trợ nhằm chấm dứt khủng hoảng tại quốc gia láng giềng.
Song, tín hiệu tích cực trên bàn đàm phán lại trái ngược tình hình trên thực địa. Cũng trong ngày 7/7, chỉ vài giờ sau khi Mỹ tuyên bố đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, Taliban mở đợt tấn công tổng lực nhằm vào thủ phủ tỉnh Badghis ở miền tây bắc. Thực tế đáng lo ngại là, trong bối cảnh các binh sĩ nước ngoài rời đi, bạo lực gia tăng, Taliban mở rộng phạm vi kiểm soát các vùng lãnh thổ.
Nguồn tin an ninh phương Tây cho biết, Taliban đã chiếm giữ khoảng 100 quận, huyện trên khắp Afghanistan, còn Taliban tuyên bố con số này là hơn 200 quận, huyện ở 34 tỉnh.
Ngày 8/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Afghanistan sẽ kết thúc vào ngày 31/8 tới, qua đó dần khép lại cuộc can thiệp nước ngoài dài nhất của Mỹ. Kêu gọi người Afghanistan tự quyết định tương lai đất nước, Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ giữ cam kết tiếp tục giúp Afghanistan ổn định, thông qua hỗ trợ nhân đạo và an ninh. Viện dẫn thực tế 300 nghìn quân nhân Afghanistan được Mỹ huấn luyện và trang bị trong 20 năm qua, nhà lãnh đạo Mỹ tin tưởng quân đội Afghanistan có thể đảm trách nhiệm vụ bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến không lạc quan như vậy. Ðơn cử, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Anh Nick Carter cảnh báo, một cuộc nội chiến có thể sắp xảy ra tại Afghanistan. Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) tuyên bố sẵn sàng sử dụng nguồn lực cần thiết để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng ở biên giới với Afghanistan.
Nga quan ngại, song khẳng định triển khai quân tới Afghanistan không nằm trong chương trình nghị sự của Moskva. Nga sẵn sàng hỗ trợ các cuộc hòa đàm của Afghanistan, với ưu tiên tìm giải pháp chính trị.