Vẻ đẹp vầng trăng khuyết

Dù khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng họ, những “vầng trăng khuyết”, đã không ngừng nỗ lực, vươn lên, vượt qua hoàn cảnh rất nhiều khó khăn để thắp lửa cho cuộc sống, làm nên những giá trị tốt đẹp cho bản thân, cộng đồng và xã hội…

Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (áo vàng) bị liệt hai chân, là tấm gương làm kinh tế giỏi và giải quyết việc làm cho nhiều người khuyết tật.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (áo vàng) bị liệt hai chân, là tấm gương làm kinh tế giỏi và giải quyết việc làm cho nhiều người khuyết tật.

Là “chân chạy” chính của gia đình và cả công ty do mình làm giám đốc nhưng đôi chân của chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc lại bị liệt từ lúc mới chào đời. Chồng chị, anh Nguyễn Ngọc Hân, cũng bị bại não từ nhỏ, phải ngồi xe lăn, chỉ đi lại trong nhà và không thể giúp vợ đưa đón con đi học cũng như chuyện bếp núc. Một mình chị Mỹ Ngọc quán xuyến mọi công việc từ gia đình cho đến vai trò Giám đốc Công ty TNHH Hồng Ngọc Invoice, chuyên về chữ ký số, cung cấp các dịch vụ về phần mềm kế toán, thiết kế, báo cáo thuế...

Chị Mỹ Ngọc kể: “Chồng tôi chính là người xây dựng trang web cho công ty, các dịch vụ chữ ký số, hóa đơn điện tử, thủ tục thành lập doanh nghiệp, thiết kế web-marketing online… Còn dịch vụ báo cáo thuế thì tôi tự mày mò học hỏi và rút kinh nghiệm từ những tháng ngày đi làm thuê”.

Thành lập công ty là một quyết định không hề dễ dàng, nhất là công ty chuyên về dịch vụ kế toán, thuế thì ở thành phố nhiều vô kể. Do có thời gian dài phải đi làm thuê, vất vả nhất là phải leo lên tận tầng 3 để làm việc mỗi ngày, chị nảy ra ý định phải tự làm riêng cho mình dù có khó khăn đến mấy. Từ đó, chị bàn với chồng rồi quyết tâm khởi sự kinh doanh. 

Thành lập từ tháng 7/2019, Công ty TNHH Hồng Ngọc Invoice ban đầu chỉ có vài nhân viên, sau tăng dần và hiện có 14 nhân viên, trong đó sáu nhân viên là người khuyết tật. Tất cả nhân viên ở công ty đều làm việc online. Từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đến nay, chị Mỹ Ngọc giao việc và rèn việc cho nhân viên đều theo hình thức trực tuyến và họp nhóm. Còn lại mọi thứ từ nộp thủ tục giấy tờ, xin giấy phép…, chị Mỹ Ngọc đều tự làm, có khi ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng có lúc ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… 

“Làm riết cũng quen, từ vài doanh nghiệp ban đầu, giờ số lượng khách hàng của tôi tăng đều lên hàng trăm, doanh thu từ 600 triệu đồng giờ đã gần 900 triệu đồng/năm. Tôi không mong gì hơn là trả lương đều đặn cho nhân viên, giúp họ yêu mến và gắn bó với công ty cũng như công việc của mình”, chị Mỹ Ngọc cho biết.

Chị Mỹ Ngọc hiện có hai con (một trai, một gái) kháu khỉnh, chăm ngoan cùng người chồng luôn ủng hộ chị hết mình trong công việc. Chị Mỹ Ngọc chia sẻ: “Khiếm khuyết một phần cơ thể là điều không may mắn, nhưng để thành công chính là bản thân mình phải tự tin, lạc quan, không gục ngã. Những gì mà công ty gặt hái được cũng là phương châm mà tôi cùng nhân viên hướng tới: xem khách hàng là gia đình, mỗi nhân viên đều là thành viên trong gia đình đó. Những trái ngọt hái được là động lực giúp vợ chồng tôi ấp ủ kế hoạch mới là mở thêm dịch vụ thành lập doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, tuyển thêm nhân viên, xây dựng công ty ngày càng phát triển”.

Hai vợ chồng Đặng Mỹ Linh là người khiếm thị nhưng nghị lực và sự đồng cảm đã tiếp thêm cho họ niềm tin để cuộc sống thêm ý nghĩa. Trải qua rất nhiều công việc, từ bán hàng thuê đến làm nghề tự do… chị Mỹ Linh trụ lại được với nghề mát-xa, chăm sóc sức khỏe cho nên chị quyết định bỏ tiền đi học nghề. Học xong, Mỹ Linh rủ chồng cùng học nâng cao ở một cơ sở dạy nghề cho người khiếm thị rồi hai vợ chồng gom góp tiền dành dụm cộng với số tiền vay vốn ở địa phương mạnh dạn mở một cơ sở mát-xa khiếm thị ở quận 10. Hai năm đầu, lượng khách ổn định, Mỹ Linh tuyển bốn nhân viên khiếm thị vào làm, lúc đông khách chị cũng xắn tay áo phục vụ khách. Dịch Covid-19 ập đến, vợ chồng Mỹ Linh đóng cửa, giãn cách nhưng vẫn bảo đảm một khoản thu nhập cơ bản cho nhân viên. 

Chị Mỹ Linh nói: “Thời điểm dịch căng thẳng phải nghỉ thời gian dài, tưởng không gồng nổi nhưng nhờ gia đình động viên nên hai vợ chồng cố gắng xoay xở và đến nay cơ sở vẫn được duy trì, mình và các em vẫn có việc làm, bảo đảm trang trải cuộc sống”. Theo Mỹ Linh, người lành lặn hay khiếm khuyết đều cần sự kiên trì, nỗ lực, miễn mình không bỏ cuộc, không đầu hàng thì những người chung quanh mình xem đó là động lực để sống và làm việc.

Tại Chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” kỷ niệm 24 năm Ngày Người Khuyết tật Việt Nam (18/4), tuyên dương 24 gương phụ nữ khuyết tật vượt khó, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Phương Hoa chia sẻ, dù cơ thể có một phần khiếm khuyết nhưng trái tim và ý chí của các chị là tấm gương sáng của nghị lực sống để vươn lên. Các chị đã gặt hái và thành công trong nhiều lĩnh vực, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã chung tay, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ chị em khuyết tật, trong đó có các lớp kiến thức, kỹ năng để chị em được học hỏi, hòa nhập với cuộc sống nhanh nhất. Đặc biệt, không ít chị đã khởi nghiệp kinh doanh bằng nguồn vốn của Hội, tạo việc làm cho mình và những người cùng hoàn cảnh, xem đó là nguồn thu nhập chính của bản thân. 

Với chủ đề năm 2022: “Hòa nhập và thích ứng, định hình tương lai”, các chị em khuyết tật cần tích cực chủ động tham gia tìm kiếm các giải pháp xây dựng kế hoạch để thích ứng, hòa nhập với mọi sự thay đổi trong giai đoạn hiện nay…